Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo Kinh tế & Đô thị dâng hương các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn

C. Thọ - Doãn Thành - Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2017) và 45 năm Ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2017), ngày 28/4, đoàn công tác báo Kinh tế & Đô thị cùng các báo Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã tham gia lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng trị.

Trước anh linh các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, lãnh đạo và cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí tham dự đã bày tỏ niềm thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân.
  Cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn. 

Ông Lại Bá Hà – Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho biết, từ nhiều năm nay, vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); Ngày thương binh liệt sỹ (27/7)..., báo Kinh tế & Đô thị thường tổ chức đoàn cán bộ phóng viên đến Quảng Trị để viếng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ ở hai nghĩa trang quốc gia là Trường Sơn; Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị. Đồng thời kết hợp việc tặng quà tri ân, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

“Những hoạt động này giúp cán bộ, phóng viên, nhân viên, nhất là cán bộ trẻ của báo Kinh tế & Đô thị nhớ về lịch sử hào hùng dân tộc, hiểu thêm về những giá trị của hòa bình, độc lập, tự do... mà cha anh đã đổ biết bao xương máu mới giành được” – ông Lại Bá Hà chia sẻ.

 Lãnh đạo các cơ quan báo chí thỉnh chuông tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn.

  Nghĩa trang Trường Sơn có khoảng 10.263 phần mộ liệt sỹ; được chia thành nhiều khu vực theo địa phương như: Hà Nội, Hải Dương và Hưng Yên; Thái Bình, Thanh Hóa... nơi liệt sỹ sinh ra 

 Ông Hồ Tất Ái - Trưởng ban quản lý nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn thắp hương tại khu vực mộ các liệt sỹ người Hà Nội
 Rời Nghĩa trang Trường Sơn, đoàn đến viếng Nghĩa trang Đường 9, quy tụ gần 9.500 ngôi mộ
 Đoàn đến viếng tại Thành cổ Quảng trị - nơi không có những nấm mồ nhưng được ví như một nghĩa trang bởi hàng vạn chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này sau 81 ngày chiến đấu khốc liệt (từ 28/6 đến 16/9/1972).
 Đài tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị được mô hình hoá thành nấm mộ chung cho hàng vạn anh hùng liệt sỹ đã nằm lại nơi đây