Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo Kinh tế & Đô thị thúc đẩy kinh tế số

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng hàng nghìn bài viết phân tích, đánh giá, bình luận… về kinh tế số, Báo Kinh tế & Đô thị đã góp một phần trong việc tuyên truyền, phản biện chủ trương chính sách, củng cố niềm tin người dân, DN, thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.

Thông tin kịp thời chủ trương, chính sách

Kinh tế số đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, sớm có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Các chủ trương này được thể hiện trong các văn bản như: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0.

Báo Kinh tế & Đô thị thúc đẩy kinh tế số - Ảnh 1

Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Trong đó, kinh tế số của từng ngành, từng lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%. Nhờ đó, kinh tế số có những bước phát triển ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế số hàng đầu khu vực. Công tác tuyên truyền Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số là trách nhiệm của toàn ngành thông tin và truyền thông nói chung, trong đó có Báo Kinh tế & Đô thị.

Với vai trò là cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội, thời gian quan, Báo Kinh tế & Đô thị đã tham gia tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền

 

Thông tin về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên Báo Kinh tế & Đô thị được truyền thông có hệ thống, kịp thời và chính xác, qua đó góp phần nâng cao vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế số của đất nước nói chung và của Hà Nội nói riêng.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

chủ trương, chính sách về kinh tế số của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Nội dung, hình thức tuyên truyền trên báo được trình bày phong phú, đa dạng từ tin, bài, video, infographic, inmagazin… Tần suất tin bài được đăng tải thường xuyên, liên tục. Qua đó, từng bước đưa các chính sách đến gần hơn với người dân, DN.

Là bạn đọc thường xuyên, lâu năm của Báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Công ty TNHH MD Queen Phạm Anh Thư chia sẻ, trên thực tế, công việc của người làm DN như chúng tôi rất bận rộn, nên không có nhiều thời gian để tự tìm hiểu về các vấn đề này. Nhưng theo dõi thông tin trên Báo Kinh tế & Đô thị hàng ngày đã cung cấp cho tôi nhiều thông tin quan trọng và bổ ích về kinh tế số để tham khảo và nếu thấy cần thiết thì sẽ tìm hiểu kỹ hơn những vấn đề mình quan tâm.

Với vai trò là người đứng đầu ngành KH&CN Hà Nội, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, có thể nói, thời gian qua, Báo Kinh tế & Đô thị đã tuyên truyền tích cực, hiệu quả các nội dung cơ chế, chính sách, chủ trương liên quan tới khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các sáng kiến, mô hình mới… Góp phần nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và toàn xã hội về vai trò quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến gần hơn tới người dân.

Củng cố, khích lệ niềm tin số

Vị trí, vai trò của kinh tế số đã được khẳng định, tuy nhiên, đây là một khái niệm mới, vì vậy không phải ai cũng hiểu thấu đáo về vấn đề này. Trên thực tế, nhận thức và kiến thức của nhiều cán bộ, DN, người dân về thời cơ cũng như thách thức của nền kinh tế số đối với sự phát triển đất nước còn khá lơ mơ, chưa đồng đều. Vì vậy, vai trò của công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, thống nhất tư tưởng và hành động về kinh tế số là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông trong việc thúc đẩy kinh tế số, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Trần Anh Tuấn cho biết, mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP là một mục tiêu cao và rất thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần có cách tiếp cận và giải pháp đột phá. Trong đó, việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số để các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân, DN hiểu rõ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Khi nhà quản lý, người dân, DN được làm công tác tư tưởng, từ đó sẽ tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Nhận thức được vai trò của mình, thời gian qua, Báo Kinh tế & Đô thị đã xây dựng kế hoạch truyền thông về kinh tế số bài bản. Song song với nhiệm vu tuyên truyền chủ trương, chính sách, Báo cũng có nhiều bài viết về các mô hình, những cách làm chuyển đổi số hiệu quả trong thực tế. Có thể kể đến một số bài viết như: Ngành giáo dục Hà Nội thí điểm quản lý khoản thu không dùng tiền mặt; Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của người dân; Chuyển đổi số giúp xây dựng Hà Nội thông minh, năng động…

Thông qua những bài viết này, Báo Kinh tế & Đô thị đã cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần chuyển đổi số của người dân, DN, tạo ra những chuyển đổi sâu sắc cả về nhận thức lẫn hành động, huy động được sự tham gia toàn diện của người dân, cộng đồng DN và cơ quan Nhà nước. Đồng thời, để toàn xã hội hiểu được sự cần thiết và tính cấp thiết của Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số; việc phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số; sử dụng nền tảng số quốc gia về Họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan Nhà nước và các tổ chức, DN, cá nhân.

Bên cạnh đó, Báo cũng tích cực tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển các nền tảng số, để khích lệ tinh thần chuyển đổi số của toàn xã hội.

Phản biện, gợi mở chính sách

Bên cạnh những cơ hội và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế số, quá trình phát triển kinh tế số Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức như công tác quản lý Nhà nước, xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch. Hệ thống thể chế, pháp luật chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ cho phát triển kinh tế số…

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) nêu quan điểm, có nhiều chính sách hỗ trợ DN về chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh được các cơ quan chức năng đưa ra chưa phù hợp với bối cảnh thực tiễn, khiến DN khó tiếp cận. Tuy nhiên, thông qua phản ánh của các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Kinh tế & Đô thị, DN đã có thể nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình. Từ đó, các cơ quan hoạch định chính sách có sự chỉnh sửa chính sách cho phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu của DN, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận gói hỗ trợ chính sách và chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Thông qua nguồn thông tin trên từ các cơ quan báo chí trong đó có Báo Kinh tế & Đô thị, các cơ quan quản lý Nhà nước, đã có những cái nhìn thấu đáo, toàn diện, khách quan về đòi hỏi của thực tế. Từ đó có những chính sách kịp thời, phù hợp, đã phát hiện và tìm hiểu sâu hơn để gợi mở ra thông tin, giải pháp giúp các cơ quan chức năng tham khảo để điều hành, phát triển kinh tế - xã hội.

Báo chí đã trở thành một trong những kênh thông tin hữu ích của DN, giúp DN tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn với các chính sách về quản lý kinh tế, trong đó có những chính sách về chế độ hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với DN trong nền kinh tế quốc dân.