Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gửi lẵng hoa chúc mừng.
Dự Lễ kỷ niệm, về phía lãnh đạo T.Ư có các Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải.
Luôn thực hiện sứ mệnh đồng hành cùng người lao động
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cho biết, ngày 23/7/1991, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã quyết định thành lập báo Lao động Hà Nội và sau này đổi tên thành báo Lao động Thủ đô. Xác định là cơ quan ngôn luận của tổ chức Công đoàn Thủ đô, tiếng nói của công nhân, viên chức, lao động.
Ngày 1/4/1993, báo Lao động Thủ đô chính thức xuất bản số báo đầu tiên. Suốt 30 năm qua, các thế hệ làm báo Lao động Thủ đô luôn phát huy tốt nhất vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh của người làm báo, đồng hành cùng người lao động. Hoạt động Công đoàn, phong trào thi đua lao động sản xuất, đời sống công nhân lao động và tình hình chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa, an ninh trật tự của Thủ đô và đất nước luôn được khắc họa phong phú trên từng số báo.
Tờ báo như nhịp cầu nối Công đoàn, chính quyền, người sử dụng lao động với công nhân lao động. Trở thành cánh tay nối dài của Thường trực, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TP Hà Nội trong việc chỉ đạo và triển khai các phong trào thi đua lao động sản xuất.
Những năm gần đây, Báo đã chuyển dịch mạnh mẽ từ làm báo in sang phát triển báo điện tử đa phương tiện, với thông tin nhanh nhạy, chính xác; triển khai nhiều thể loại báo chí hiện đại. Từ 2 tuần 1 số báo in khi mới thành lập, đến nay báo Lao động Thủ đô có 4 ấn phẩm: Báo in Lao động Thủ đô, báo điện tử Lao động Thủ đô và 2 chuyên trang điện tử Làm giàu, Lao động và Pháp luật.
Trong thời gian tới, báo Lao động Thủ đô xác định sẽ tiếp tục xây dựng tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, đẩy mạnh truyền thông số. Xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết công nghệ, có bản lĩnh vững vàng và luôn trau dồi đạo đức người làm báo....
Khẳng định thương hiệu trên hệ thống báo chí
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động báo Lao động Thủ đô trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành. Trong suốt 30 năm qua đã tạo ra thương hiệu, uy tín và vị trí của báo trong đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển chung tổ chức Công đoàn Thủ đô.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đề nghị thời gian tới, báo Lao động Thủ đô cần tiếp tục phát huy những thế mạnh sẵn có. Đồng thời tích cực sáng tạo, đổi mới hướng phát triển phù hợp với nội lực, khả năng của báo để mở rộng và khẳng định thương hiệu trên hệ thống báo chí, đối với tổ chức Công đoàn và với đoàn viên, người lao động.
Trong đó, báo Lao động Thủ đô cần tiếp tục bám sát các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, định hướng của Thành ủy Hà Nội và tổ chức Công đoàn. Giữ vững đúng tôn chỉ, mục đích và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng thông tin, phản ánh, tuyên truyền, nhất là việc tuyên truyền về phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn.
Báo Lao động Thủ đô phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo, phóng viên vừa có bản lĩnh, trí tuệ, vừa có đạo đức, là một tuyên truyền viên gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua và hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô...
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cũng đề nghị, các Ban Liên đoàn Lao động TP và các cấp Công đoàn Thủ đô từ TP đến cơ sở tạo điện kiện tốt nhất để báo Lao động Thủ đô có nền tảng phát triển. Tích cực phối hợp và hỗ trợ để báo được mở rộng, tiếp cận gần đến với doanh nghiệp, đoàn viên và người lao động. Tăng đầu tư nguồn lực về con người, về tài chính, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ làm báo, bắt kịp với xu thế của áo chí hiện đại…