Kinhtedothi - Những ngày qua, các phương tiện truyền thông liên tiếp “khui” ra các vụ học sinh (HS) bị bạn cùng lớp đánh hội đồng rất dã man, để lại hậu quả nghiêm trọng… khiến dư luận bức xúc, người làm giáo dục “đứng ngồi không yên”. Rất nhiều người cho rằng, cần có hình thức xử lý, kỷ luật nghiêm đối với HS vi phạm.
Xử nghiêm để làm gương
HS đánh nhau là hiện tượng không mới, nhưng những sự vụ ở một số địa phương thời gian gần đây đã bộc lộ tính chất nghiêm trọng. Điển hình là vụ nữ HS lớp 7 ở Trà Vinh bị chính các bạn trong lớp đánh hội đồng. Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng sau khi clip được đưa lên mạng facebook, thì chương trình Chuyển động 24 giờ mới đây lại tiếp tục phản ánh, tại trường THPT Tử Đà (Phú Thọ), nữ sinh lớp 11 cũng bị các bạn cùng lớp đánh hội đồng chỉ vì hiểu lầm từ những dòng trạng thái trên facebook. Sau vụ ẩu đả này (từ tháng 9/2014) đến nay, nữ sinh này vẫn không nói được...
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) bức xúc nói, qua các vụ bạo lực học đường (BLHĐ) được công khai trên các phương tiện truyền thông gần đây cho thấy, cần có những hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc, phù hợp thực tế. “Việc quy định về khen thưởng, kỷ luật trong trường học do Bộ GD&ĐT ban hành hơn 20 năm nay đã quá lạc hậu. Nhiều vấn đề mới phát sinh, nhiều thay đổi của xã hội nên các quy định trước đây đã không theo kịp thực tế. Những vụ HS đánh nhau, làm nhục bạn… cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc để làm gương, đồng thời ngăn chặn những vụ việc tương tự” – ông Bình đề xuất.
Một giáo viên chủ nhiệm của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cũng cho rằng, phải xử lý mạnh để làm gương với các HS tham gia đánh hội đồng nữ sinh ở Trà Vinh. Hơn thế, cũng nên có hình thức kỷ luật nghiêm khắc hơn với HS quay clip. Nếu chỉ phê bình, cảnh cáo, kiểm điểm thì nhiều HS sẽ “nhờn thuốc”. Hành vi thấy bạn bị đánh mà không ngăn cản, báo cho giáo viên, lại thản nhiên quay clip là điều rất đáng lên án.
Cha mẹ hãy là bạn đồng hành
Đi tìm lời giải cho bài toán BLHĐ hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, những giá trị về giáo dục đạo đức, giáo dục làm người chưa được quan tâm triệt để. Giáo dục trong gia đình, nhà trường đang quá tập trung cho việc chạy theo kiến thức mà bỏ quên việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em.
Để giảm thiểu những vụ BLHĐ khiến phụ huynh và những người làm giáo dục “đứng ngồi không yên”, TS giáo dục Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, phương pháp phòng chống BLHĐ rất quan trọng, các bậc phụ huynh cần giúp con phòng tránh hiện tượng này. “Hiện nay, tràn lan phim hoạt hình, truyện tranh tục tĩu, bạo lực... mà thiếu sự kiểm soát và dường như không ai quan tâm. Đây chính là mầm mống của mọi ý tưởng bạo lực trong đầu trẻ. Do đó, những phim, truyện mang tính chất bạo lực này nên cấm trẻ tuyệt đối. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy luôn là bạn đồng hành, gần gũi con, biết mọi việc xảy ra với con, cha mẹ cũng sẽ biết khi nào con có mâu thuẫn với bạn. Khi mâu thuẫn nhẹ nhàng, với sự hướng dẫn của cha mẹ, chắc hẳn con sẽ làm hòa với bạn, như thế sẽ hạn chế được bạo lực trong, ngoài trường học” - TS Vũ Thu Hương chia sẻ.
Đa số các chuyên gia tâm lý đều đồng tình cho rằng, nhà trường, gia đình và xã hội cần cùng chung tay làm sạch môi trường giáo dục. Như TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích: “Nhiều người cho rằng, phải đuổi những HS vi phạm, nếu không nạn nhân phải chuyển trường. Theo tôi, đây không phải cách hay bởi không có “đại ca” này sẽ có “đại ca” khác. Muốn triệt để, sau sự việc này, chính nhà trường phải phát động một phong trào chống BLHĐ, từ hiệu trưởng, thầy cô và HS toàn trường phải vào cuộc; Phải lên chương trình hành động, khuyến khích việc phát hiện các sự việc bạo lực để đưa ra ánh sáng. Chúng ta phải chung tay làm sạch môi trường giáo dục. Không thể để sự việc dừng lại ở việc lãnh đạo trường phát biểu vài câu rồi đâu lại vào đấy. Các em HS tiếp tục sống trong sợ hãi mỗi khi đến trường”. Bên cạnh đó, các chuyên gia giáo dục khẳng định, nhà trường cũng nên tổ chức thêm nhiều buổi ngoại khóa, vui chơi để các em cuốn vào hoạt động tập thể thay vì chơi tự phát, dẫn đến bạo lực.
Giáo viên trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm hướng dẫn học sinh ôn bài. Ảnh: Chiến Công
|
Chiều 16/3, Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh đã công bố kết luận kỷ luật vụ nữ sinh đánh hội đồng xảy ra tại trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh. Theo đó, em Trần Kim Ánh bị khiển trách; các em Trần Ngọc Anh Thư, Trần Hồng Gấm, Kim Thảo Nhi, Cao Kim Tuyến, Lê Trí Nhân bị cảnh cáo; các em Dương Thúy Vy, Nguyễn Thùy Dương, Lâm Trần Bình Trọng bị buộc thôi học một tuần. Ngoài ra, UBND TP Trà Vinh có quyết định tạm đình chỉ công tác một tháng đối với Hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên, Phó Hiệu trưởng Võ Thanh Vũ, giáo viên chủ nhiệm Võ Thành Tất và tổng phụ trách đội Thạch Minh Tâm để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân. |