Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bão số 1 gây thiệt hại tại Bạch Long Vĩ, Hải Phòng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Phạm Xuân Hòe, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cát Hải cho biết, số hộ dân ở khu vực trên cùng với hơn 2.300 dân vùng ven biển đã được di chuyển đến nơi an toàn trước đó.

KTĐT - Ông Phạm Xuân Hòe, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cát Hải cho biết, số hộ dân ở khu vực trên cùng với hơn 2.300 dân vùng ven biển đã được di chuyển đến nơi an toàn trước đó.

Vào lúc 13 giờ 30 ngày 17/7, cơn bão số 1 đã đổ bộ vào huyện đảo Bạch Long Vĩ với sức gió cấp 10, cấp 11 gây thiệt hại cho nhân dân trên đảo.

Chỉ chưa đầy 2 giờ đồng hồ đổ bộ, bão đã làm gẫy một chiếc cần cẩu của âu cảng, một trường học, hai dãy nhà của đội thanh niên xung phong và làm tốc mái nhà nhiều hộ dân trên đảo.

Tiếp đến, bão số 1 di chuyển vào huyện đảo Cát Hải. Tại khu vực đê Hải Lộc và Tiến Lộc thuộc thị trấn Cát Hải, sóng to, gió lớn cộng thêm triều cường lên cao khiến nước biển đã bắt đầu tràn qua mặt đê thành từng đợt ập vào các hộ dân.

Ông Phạm Xuân Hòe, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cát Hải cho biết, số hộ dân ở khu vực trên cùng với hơn 2.300 dân vùng ven biển đã được di chuyển đến nơi an toàn trước đó.

Tuy nhiên, ông Hòe lo ngại rằng nếu tình trạng này kéo dài chừng vài giờ đồng hồ nữa, rất có thể nước sẽ tràn qua đê làm ngập hoàn toàn nhà dân và có nguy cơ gây ra sự cố nứt, vỡ đê biển. Cát Hải đã huy động 180 người, 2 máy xúc, 5 xe ôtô, xuất 250m3 đá hộc dự trữ sẵn sàng ứng cứu sự cố xấu xảy ra với đê biển.

Lúc 15 giờ cùng ngày, bão số 1 tiếp tục di chuyển vào đất liền Hải Phòng với sức gió cấp 8, cấp 9 làm nhiều cây cối và biển quảng cáo trên các dãy phố Hoàng Văn Thụ, Lê Đại Hành, Nguyễn Đức Cảnh, Đinh Tiên Hoàng... bị gẫy và gây ách tắc giao thông. Ngành giao thông đã kịp thời tổ chức thu gom cây đổ, thông đường.

Theo dự đoán của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, bão số 1 vẫn hoạt động trên địa bàn Hải Phòng ít nhất đến 23 giờ đêm nay.

Tại Quảng Ngãi, theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 18 giờ ngày 17/7, tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, tỉnh Quảng Ngãi có 28 tàu/359 ngư dân đang trú cơn bão số 1. Trong đó, 6 tàu bị nạn (4 tàu bị chìm và 2 tàu mắc cạn), 71 ngư dân đã được cứu vớt, còn 6 người chưa được cứu.

Riêng tàu của ông Nguyễn Văn Tẩn, quê xã Bình Châu, huyện Bình Sơn số hiệu QNg 55940 TS có 10 ngư dân, bị chìm tại khu vực đảo Đá Bắc (Hoàng Sa) đã được tàu ông Trương Quang Trị cứu vớt 4 người, còn 6 người chưa tìm thấy, hiện nay có 7 tàu thuyền của xã Bình Châu đang tìm kiếm, cứu nạn.

Sáu ngư dân chưa tìm thấy là: ông Trương Văn Tiên, Nguyễn Quốc Hận, Tiêu Viết Phụng (đều ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), Nguyễn Ngọc Vỹ, Nguyễn Đức Thành và Nguyễn Thành Chung (đều ở Khánh Hòa).

Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các đồn biên phòng kiểm soát tàu thuyền ra khơi và phối hợp với các máy ICOM cộng đồng thông báo diễn biến tình hình cứu hộ, cứu nạn, thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với các tàu thuyền trên biển.

Đặc biệt, các tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; hướng dẫn các tàu thuyền tỉnh Quảng Ngãi trong khu vực quần đảo Hoàng Sa cứu hộ, cứu nạn các tàu bị sự cố; tập trung tìm kiếm 6 ngư dân trên tàu của ông Nguyễn Văn Tẩn chưa tìm được.

Đến 19 giờ ngày 17/7, nhiều nơi ở Thanh Hóa đã bắt đầu có những cơn mưa nặng hạt. Tổng lượng mưa phổ biến trong khoảng 50-60mm, một số nơi trên 100mm như thành phố Thanh Hóa, Hậu Lộc...

Do chủ quan, nhiều khách du lịch tại các bãi biển ở Thanh Hóa vẫn tranh thủ ra biển tắm, 2 du khách đã bị mất tích tại biển Sầm Sơn (thị xã Sầm Sơn) và Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia). Hiện vẫn chưa xác định được danh tính của các nạn nhân này.

Sáng 17/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Công Thương chuyển gấp 35 tấn gạo, mỳ tôm, dầu thắp sáng cùng các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân huyện Mường Lát, đề phòng mưa lớn có thể khiến hệ thống giao thông lên Mường Lát tê liệt như một số năm trước đây.

Hiện tuyến đê biển Ninh Phú (thuộc xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) có chiều dài 800m đang trong giai đoạn thi công đã được các đơn vị phủ bạt, xử lý chống sạt nhằm hạn chế tối đa thiệt hại khi sóng biển dâng cao. Các hộ nuôi trồng thủy sản ở Thanh Hóa cũng đang tích cực thu hoạch hải sản./.