Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bão số 7 - Sarika mạnh nhất trong nhiều năm qua

Trọng Tùng - Hoàng Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi dư âm của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn tại các tỉnh miền Trung còn chưa qua đi, biển Đông lại tiếp tục đứng trước một cơn bão mới có tên quốc tế là Sarika được dự báo là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua.

Thông tin tại cuộc họp khẩn về công tác ứng phó với bão Sarika chiều 16/10 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, cơn bão đã đi qua vùng biển Luzon (Philippines) và trở thành cơn bão số 7 ảnh hưởng tới đất liền nước ta.
Hiện, bão v đang tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Dự báo 10 giờ sáng 17/10, bão sẽ chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16 - 17. Nhiều khả năng bão sẽ tiệm cận đất liền các tỉnh Thái Bình - Thanh Hóa với cấp 11.
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp
Bão số 7 cũng được dự báo sẽ gây ra mưa lớn, thời gian mưa ngắn và tập trung. Khu vực mưa to được dự báo là Thanh Hoá, đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Tổng lượng mưa từ 200 - 400mm.
Tuy nhiên, điểm cần đặc biệt lưu ý là thời điểm bão đổ bộ (dự báo khoảng chiều ngày 19/10) cũng là thời điểm triều cường cao nhất trong năm. Do đó, nguy cơ xảy ra ngập lụt là rất cao.
Không chỉ vậy, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư còn cho biết một cơn bão nữa đang hình thành ngoài khơi và cũng được dự báo đi vào Biển Đông với cấp siêu bão.
Nếu đúng như dự báo, bão số 7 sẽ là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua, lại diễn ra vào thời điểm hết sức nguy hiểm là triều cường đạt đỉnh, có thêm một cơn bão lớn nữa đang hình thành, trong khi đó các tỉnh miền Trung vẫn chưa khắc phục xong hậu quả của lũ lụt.
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đều cho biết sẽ tích cực, chủ động, khẩn trương chuẩn bị thật tốt theo phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với bão số 7.
Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An cho biết, chính sự chuẩn bị chu đáo, cộng với sự tham gia tích cực của nhân dân đã giúp hạn chế tối đa hậu quả của lũ lụt những ngày qua. Cho đến thời điểm này, các tỉnh miền Trung đều đã kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và sẽ kiểm soát thật tốt, không để ngư dân ra biển trong những ngày tới.
Các địa phương cũng sẽ tiếp tục duy trì chế độ trực 24/24 để kịp thời ứng phó với những tình huống bất ngờ xảy ra, triển khai khắc phục hậu quả mưa bão một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với các địa phương là phần lớn các hồ, đập đều đã đầy nước, do đó nếu bão số 7 kéo theo mưa lớn, gần như chắc chắn sẽ gây ra lụt, thậm chí đe doạ sự an toàn của các công trình.
Gần như tất cả các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các địa phương tại cuộc họp đều kiến nghị các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo dự báo sớm, chính xác để từ đó địa phương có cơ sở triển khai các phương án ứng phó. Các địa phương cũng kiến nghị cần tăng cường thông tin, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động đề phòng.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương cần đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn các hồ chứa, đập thủy điện, nhất là trong bối cảnh nhiều hồ đã đầy nước sau đợt mưa lớn những ngày vừa qua. Theo dõi sát diễn biến bão số 7 để chủ động có phương án “cấm biển” và cho phép học sinh nghỉ học.

Đối với 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, cần sẵn sàng các phương án di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, bão số 7 đến khi ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới chưa kịp khắc phục, do đó, các địa phương cần hết sức chủ động trong phòng chống, trọng tâm là triển khai phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thiên tai. Các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp theo Công điện số 1826 và 1827 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời hỗ trợ người dân miền Trung chịu ảnh hưởng mưa lớn sớm ổn định đời sống và sản xuất.