Không chỉ mang đến cái nhìn bao quát về diện mạo báo chí Việt Nam 100 năm đầu đời, triển lãm còn giúp người xem tìm hiểu lịch sử, văn hóa đất nước trong suốt một thế kỷ đầy biến động. Giới chuyên môn cho rằng, đây là cơ hội để đội ngũ làm báo hiện đại nhìn nhận, chiêm nghiệm và học tập, phát huy những giá trị của báo chí cách mạng Việt Nam.
Những bước tiến, lùi
Các ấn phẩm báo chí quốc ngữ giai đoạn 1865 - 1965 trưng bày lần này là những hiện vật có giá trị cao. Qua đó, công chúng có thể thấy nhiều mặt của đời sống xã hội thời bấy giờ, từ quan điểm của người làm báo đến những thông tin mà người đọc quan tâm. Đây cũng là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, người yêu sách, sưu tầm sách và giúp người đọc hiểu thêm về khởi thủy của nền báo chí Việt Nam. Nhìn vào đó, so sánh với hiện tại, chúng ta biết được những bước tiến, bước lùi của báo chí nước nhà.
Độc giả xem sách, báo cũ tại triển lãm "Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865 -1965". Ảnh: Hồng Hạnh
|
Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Vũ Thế Long nhận định: "Kỹ thuật, phương tiện của báo chí hiện đại ngày nay vượt xa báo chí ngày xưa. Đơn cử như giấy in, bây giờ nhiều loại giấy trắng sáng, rất đẹp, trong khi ngày trước giấy in đen, màu vàng đục. Tuy vậy, một số tờ báo hiện nay lại có độ lùi về chất lượng. Ngày càng xuất hiện nhiều tờ báo có xu hướng lá cải nhưng vẫn được coi là báo chính thống. Trên đó đưa những chuyện rất nhảm nhí mà ngày trước không thể được đăng như, khai thác đời tư quá mức, chú trọng những chuyện "cướp, giết, hiếp" để thu hút độc gia". Ông Long ngậm ngùi khi nói đến một chuyên mục luôn hấp dẫn độc giả và làm tốt nhiệm vụ truyền thông, định hướng xã hội, nay đã…bị khai tử. Đó là chuyên mục tranh biếm họa. "Ngay cả trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các tờ báo vẫn dùng vũ khí biếm họa để xây dựng, định hướng văn hóa con người. Xã hội hiện nay ngoài những cái tốt còn có những mặt chưa tích cực, như đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi xe lên vỉa hè, quan hệ trong các gia đình ngày càng nhạt… Nếu phê phán những hiện tượng này bằng tranh biếm họa sẽ dễ tác động tới độc giả hơn làm clip hay ảnh chụp", ông Vũ Thế Long bày tỏ.
Vì thế, qua triển lãm này, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - Giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) mong muốn những người làm báo bây giờ cần nhìn nhận lại cách làm, phải làm sao giữ gìn được tính cách vốn có của báo chí là truyền thông, định hướng xã hội.
Thú chơi trí tuệ
Giới chuyên môn nhận định, các ấn phẩm báo chí quốc ngữ giai đoạn 1865 - 1965 được trưng bày không chỉ có giá trị với các nhà nghiên cứu mà đối với độc giả trong nước và quốc tế cũng rất có ích. Bởi, khi công chúng đọc các ấn phẩm báo cũ được sắp xếp theo trình tự thời gian, họ sẽ hiểu được những vấn đề, sự kiện văn hóa, lịch sử thời gian đó. Ví dụ, cách ăn nói, chữa bệnh cách đây hơn một thế kỷ như thế nào trên báo đã mô tả. Còn đối với người nước ngoài, đây cũng là những tư liệu rất hữu ích. Như chia sẻ của ông Vũ Thế Long: "Cách đây chừng chục năm, tôi quen một người Australia, ông ấy nói muốn nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Tôi đưa cho ông ấy tập Tuần báo Việt Nam Độc lập, ông ấy cười và nói rằng sẽ làm luận văn Thạc sĩ đề tài "Cách làm truyền thông của Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp", tư liệu chủ yếu của ông ta là báo chí thời bấy giờ. Đề tài này được đánh giá cao ở Australia và ông tiếp tục hoàn thành đề tài này ở trình độ Tiến sĩ".Sưu tập sách, báo cũ không phải là thú vui nhất thời, mà là tâm huyết trong một thời gian dài của các nhà sưu tầm. Anh Trịnh Hùng Cường, đại diện Diễn đàn Sách xưa cho biết, để có được những cuốn sách, báo trưng bày lần này, ba nhà sưu tầm mỗi người phải mất ít nhất vài năm, thậm chí hàng chục năm. Anh cho rằng, bất kỳ ai yêu sách, báo hãy sưu tầm những tư liệu ngay hôm nay vì vài chục, vài trăm năm nữa sẽ trở thành "đồ cổ". Không đơn giản chỉ là sưu tầm một đồ vật, mà bản thân mỗi tờ báo, tạp chí cũng có tác động tích cực đến ý thức và kiến thức của chính nhà sưu tầm. Ví dụ, đọc Gia Định báo, ra ngày thứ ba ngày 10/6/1890, tôi biết được các thông tin về thăng chức, tăng lương, thay đổi chỗ làm, rồi quy định các nhà hàng, quán café, quán rượu phải đóng cửa giờ nào. Tờ Khai hóa nhật báo, phát hành ngày 22/12/1922 đưa tin hội nghị, phường nhạc tại hội chợ, khánh thành Cao đẳng học đường xứ Syrie tại thành Damas, bài bình luận "Sự ích lợi của khoa học và việc dùng tàu trượt ở xứ ta"...
Chính bởi những ích lợi đó, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lại Nguyên Ân cho rằng, việc hướng tới thú chơi có tính chất hoài cổ cho thấy giới trẻ đã biết trân trọng những giá trị xưa cũ. Đây là thói quen rất đáng trân trọng. Đặc biệt, nếu mỗi nhà sưu tầm đều có ý thức chia sẻ những tờ báo, cuốn sách cũ, cổ trên trang cá nhân, mạng xã hội cho mọi người cùng xem sẽ là một cách để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Ông Long cũng bày tỏ mong muốn cho phong trào sưu tầm, chia sẻ những tư liệu quý được mở rộng để tạo điều kiện cho đông đảo công chúng có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử.