Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tồn nhiều nhưng không giữ được tinh hoa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chưa bao giờ Việt Nam lại đầu tư nguồn lực lớn cho công tác bảo tồn di sản văn hóa như giai đoạn hiện nay. Song với số lượng di tích ào ạt được bảo tồn càng ngẫm lại càng thấy chúng ta đứng trước nguy cơ không bảo tồn được tinh hoa của di sản văn hóa dân tộc" - TS. KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ

"Chưa bao giờ Việt Nam lại đầu tư nguồn lực lớn cho công tác bảo tồn di sản văn hóa như giai đoạn hiện nay. Song với số lượng di tích ào ạt được bảo tồn càng ngẫm lại càng thấy chúng ta đứng trước nguy cơ không bảo tồn được tinh hoa của di sản văn hóa dân tộc" - TS. KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ với các nhà văn Hà Nội trong buổi sinh hoạt chuyên đề "Làm thế nào để bảo tồn di sản vật thể của Việt Nam" sáng 10/12.

Là người gắn bó với công tác bảo tồn, trùng tu di tích ngay từ buổi đầu có chủ trương (những năm 1970), TS. KTS Hoàng Đạo Kính không phủ nhận công tác bảo tồn di sản đã gìn giữ được nhiều giá trị văn hóa lịch sử của ông cha để lại. Tuy nhiên, ông Kính thẳng thắn chỉ ra, bảo tồn di sản đang tồn tại quá nhiều mặt trái. Lý giải cho vấn đề tại sao thời gian gần đây, nhiều di tích được xếp hạng liên tục "kêu cứu", ông cho rằng: "Việt Nam đang ôm đồm số lượng di tích hết sức lớn (gần 100 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 3.200 di tích xếp hạng cấp quốc gia và hàng vạn di tích xếp hạng cấp tỉnh, TP); có đầu tư nguồn lực đến đâu cũng không xuể". Sở dĩ xảy ra hiện tượng số lượng di tích xếp hạng của Việt Nam nhiều hơn cả Trung Quốc, Nga - những quốc gia có kho di sản bậc nhất thế giới là bởi trong vòng 20 năm trở lại đây, tiêu chí xếp hạng di tích bị đánh đồng và sao nhãng. Vì vậy, di tích hình thành trước năm 1945 đều được xếp hạng. "Nhiều địa chỉ di sản chỉ còn lại nền móng là giá trị kiến trúc đời xưa cũng được xếp hạng. Ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa) có 5 di tích xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có di tích mới được xây dựng từ năm 1938" - ông Kính cho biết thêm.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, tiêu chí xếp hạng di tích bị sao nhãng nên mới có phong trào xếp hạng của từng địa phương. Ở cấp tỉnh muốn vươn lên cấp quốc gia, cấp quốc gia lại muốn vươn lên cấp quốc gia đặc biệt và đến cấp thế giới (UNESCO công nhận). "Không phủ nhận việc công nhận của UNESCO tạo nhiều động lực gìn giữ cho di sản Việt Nam. Thế nhưng, khi tạo thành cuộc đua tốn kém, xúc động mà sau đó quên mất yếu tố bảo tồn thì có đáng không?" - bà Thái đặt câu hỏi. Chính vì vậy, hiện nay đang xảy ra hiện tượng một đô thị bên cạnh nỗ lực đạt được thành tựu về xây nhà, xây cầu, xây cảng cũng đặt tiêu chí phải có di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp thế giới. "Chưa đầy 5 năm hình thành tiêu chí di tích cấp quốc gia đặc biệt mà có đến gần 100 di tích được xếp hạng. Trong khi đó, cả giai đoạn từ 1957 - 1970, Việt Nam chỉ xếp hạng tổng số gần 60 di tích" - TS. KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ.

Theo ông Kính, có những tiêu chí gìn giữ di sản thời Pháp thuộc mà hiện nay cần phải học. Tuy không xếp hạng di tích, nhưng từ những năm 1912 - 1916, thực dân Pháp đã tiến hành kiểm kê, tư liệu hóa, đo đạc rất chuẩn chỉ các di tích. Ở mỗi di tích nên đặt các bảng biểu chú giải giá trị hơn là tấm biển công nhận xếp hạng. Ông Kính thừa nhận, mình đang đánh giá về mặt trái của công tác bảo tồn di sản. Đã là mặt trái thường rất khó tiếp nhận nhưng cũng cần thẳng thắn để nhận biết và chỉnh sửa.