Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, qua mạng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 10/11, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, giao dịch từ xa; bảo vệ thông tin người tiêu dùng được đặc biệt quan tâm.

Các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thích ứng với môi trường kinh doanh mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong Dự Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Đồng thời, các đại biểu cũng lưu ý, Dự Luật vẫn chưa quy định đầy đủ, cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ quyền lợi người tiêu dùng. Về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, tiếp tục nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra phạm vi về thông tin của người tiêu dùng cho phù hợp; cần quy định chặt chẽ để bảo vệ khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, Dự án Luật đã bổ sung một Điều, một Chương riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh; cơ bản đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, từ thực tiễn và xu hướng phát triển của việc mua, bán hàng qua hình thức thương mại điện tử như hiện nay, những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể...

Nhằm khắc phục khoảng trống trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng qua mạng, đại biểu đồng thuận cao với những điểm bổ sung về các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, bổ sung chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh thống nhất các quy định về bảo vệ quyền, quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật liên quan.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

“Từ thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi tiêu dùng cho thấy, các chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa đủ những chế tài đủ sức rang đe. Đề nghị bổ sung quy định tại Chương 5 về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đầy đủ và bao quát hơn”- đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (đoàn tỉnh Đắk Nông) cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Cụ thể, đại biểu đề nghị rà soát quy định về giao dịch trên không gian mạng, bổ sung đầy đủ nội dung về giao dịch từ xa để đảm bảo tính bao quát, đồng thời cần lưu ý đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Giao dịch điện tử đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đối với vấn đề bảo vệ thông tin người tiêu dùng, đại biểu cho rằng việc thu thập thông tin ban đầu là chính sách cần thiết, tuy nhiên, có hiện tượng sử dụng thông tin của khách hàng mà không được cho phép, sử dụng cho các mục đích ngoài thỏa thuận, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (đoàn tỉnh Đắk Nông) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (đoàn tỉnh Đắk Nông) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu cũng đề nghị rà soát một số quy định liên quan đến hợp đồng, đảm bảo thống nhất với Bộ Luật Dân sự hiện hành; nhất là quy định bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Việc này sẽ giúp đảm bảo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật.

Đồng thời, về giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa, các đại biểu đề nghị chỉnh lý lại nội dung này cho chặt chẽ hơn.

Quan tâm đến vấn đề chủ thể người tiêu dùng, đại biểu Quốc hội Chamaléa Thị Thủy (đoàn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, chủ thể người tiêu dùng là chủ thể trung tâm của Luật, do đó phải làm rõ khái niệm người tiêu dùng. Đại biểu cho rằng, quy định như Dự Luật vẫn chưa đầy đủ, vấn đề cần quan tâm là mục đích tiêu dùng, còn chủ thể sử dụng là cá nhân hay tổ chức đều cần được luật này điều chỉnh và bảo vệ.

Về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu cho rằng việc Dự thảo Luật đã xác định việc cần phải bảo vệ quyền lợi cho đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương là cần thiết và nhân văn. Tuy nhiên, chính sách, cách thức cụ thể để bảo vệ nhóm đối tượng này vẫn chưa thể hiện rõ. Nếu không quy định rõ sẽ khó có tính khả thi trong áp dụng thực tiễn. Do đó, cần quy định rõ chính sách riêng về vấn đề này để đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả. 

Về vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu cho biết thời gian qua, các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn về tính mạng của người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ những hạn chế và chưa phát huy hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị phải có quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.