Đừng chạy theo “đuôi” dư luận Thời gian qua, quá nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra khiến dư luận phẫn nộ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có báo động về đạo đức xã hội. Bố mẹ hành hạ con bằng cách nung sắt đỏ vào cơ thể con, giáo viên mầm non không dạy trẻ bằng tình thương yêu, trách nhiệm mà dùng đòn roi, dọa nạt... thì đứa trẻ sẽ phát triển nhân cách thế nào? Trước tiên, mỗi gia đình sinh trẻ ra, cần có trách nhiệm chăm sóc, nuôi nấng, bảo vệ trẻ khỏi bạo hành. Bố mẹ còn đánh đập, hành hạ, không tôn trọng trẻ, thì mong gì xã hội thương yêu con mình. Đối với các trường mầm non, ngành chức năng cần phải rà soát lại khâu cấp phép thành lập trường, khâu giám sát, hậu kiểm. Nếu phát hiện đơn vị, cá nhân vi phạm, phải xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội. Tôi cho rằng, việc đánh đập trẻ dã man như vậy, mà chỉ xử tù 3 năm là quá nhẹ. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm, đừng hô hào, đừng đề ra các giải pháp dài, mà không “xắn tay” vào bảo vệ trẻ. Liên quan đến trẻ em, có đến hàng chục cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức bảo vệ trẻ như các Bộ LĐTB&XH, Tư pháp, Công an, Y tế, GD&ĐT, VHTT&DL, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc, Quỹ Bảo trợ trẻ em... nhưng thường các vụ bạo hành đều do người dân và báo chí phát hiện, phản ánh. Vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng đến đâu, phân cấp, phân quyền ra sao mà chưa vào cuộc để giảm thiểu nạn bạo hành trẻ em. Bà Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội Hà Nội
Đề nghị địa phương vào cuộcSở GD&ĐT coi vụ bạo hành trẻ tại trường mầm non ở TP Hồ Chí Minh là một bài học trong công tác quản lý để rút kinh nghiệm. Tại cuộc giao ban vừa qua, Sở đã quán triệt đến gần 100 hiệu trưởng trường mầm non và lãnh đạo các phòng GD&ĐT, yêu cầu nâng cao công tác quản lý, siết các cơ sở thực hiện đúng qui định của ngành. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện rà soát, kiểm tra việc cấp phép hoạt động các trường mầm non, đặc biệt là các cơ sở mầm non tư thục. Nếu cơ sở nào vi phạm, đề nghị xử lý nghiêm, kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không thực hiện đúng qui định. Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tuyệt đối không được tuyển sinh, nhận trẻ khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập, chưa đủ điều kiện hoạt động. Bên cạnh đó, Sở cũng chú trọng đến việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đề xuất lắp camera trong nhà trường. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp ứng phó. Quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc, trách nhiệm, lương tâm của mỗi giáo viên, nhà trường và chính quyền địa phương. Đối với Sở GD&ĐT, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các hoạt động dạy và học, trong đó chú trọng kiểm tra các trường mầm non công lập và ngoài công lập. Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội Hoàng Thanh Hương
Khâu giám sát, hậu kiểm các trường mầm non tư thục kémHiện cơ quan bảo vệ trẻ em của ta có đủ từ cấp cơ sở đến T.Ư, nhưng mỗi khi xảy ra vụ việc, chỉ có giáo viên và nhà trường chịu trách nhiệm, chưa thấy vai trò của cơ quan chức năng. Việc mở trường, lớp mầm non tư thục khá dễ dãi, trong khi đó, khâu giám sát, hậu kiểm lại kém, dẫn đến vi phạm nhưng cơ quan chức năng không biết, khi biết rồi thì loanh quanh đổ lỗi cho nhau. Để phòng tránh bạo hành trẻ em, trước tiên là sự vào cuộc của gia đình, ý thức tuân thủ luật pháp, quy định của cơ sở, sự vào cuộc của ngành và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, khâu đào tạo giáo viên mầm non cần phải được siết chặt đầu vào và cả đầu ra, sao cho mỗi giáo viên khi đi dạy, phải có bằng cấp, nghiệp vụ, đặc biệt là nâng cao đạo đức nghề nghiệp. PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội
“Đá bóng” trách nhiệmTôi cho rằng, các cơ quan chức năng chưa thực hiện hết chức trách của mình. Hiện có quá nhiều đầu mối trong việc bảo vệ trẻ em, nhưng khi xảy ra vụ bạo hành nào đó, thường các cơ quan lại “đá bóng” trách nhiệm, chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm chính về mình. Riêng lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cũng trả lời trên báo chí rằng, Bộ đã phối hợp với địa phương, xử lý ngay khi có thông tin vi phạm. Rõ ràng, đây là sự vào cuộc thụ động, có hành vi nghiêm trọng xảy ra, mới vào cuộc. Chính quyền địa phương sở tại cũng vậy, đáng ra phải là đơn vị trực tiếp quản lý, nhưng không nắm được. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận khách quan, mỗi gia đình cần có trách nhiệm hơn với chính con mình, trong đó có việc nuôi dạy con và tìm hiểu kỹ khi quyết định cho con học trường nào. Chị Hoàng Thu Hà phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội |