Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Quan trọng nhất là giáo dục và truyền thông

Trần Oanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời phỏng vấn Kinh tế & Đô thị về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh, trẻ em trong thời đại công nghệ số có nguy cơ rất cao bị xâm hại.

 Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh 
Là quản lý tổ chức chuyên nghiên cứu về trẻ em, xin bà cho biết, thời gian qua trẻ em Việt Nam đã sử dụng internet thế nào?
- Khảo sát của MSD trước đây, trẻ em dưới 16 tuổi thường vào internet trung bình 2 - 3 tiếng/ngày. Nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, học sinh phải học online nên thời gian các em vào mạng tăng vọt tới 4 - 5 tiếng/ngày. Độ tuổi của các em sử dụng internet ngày càng nhỏ. Trước đây, chúng ta hay ngầm định trẻ em 10 tuổi hoặc 12, 13 bắt đầu tham gia mạng xã hội; thời gian vừa rồi, trẻ em cuối cấp mầm non, lớp 1 đã cùng bố mẹ vào internet để làm bài tập cô giáo giao.
Khi các em sử dụng internet ở độ tuổi nhỏ và nhiều thời lượng rất có nguy cơ xâm hại. Thực tế, khi học sinh học trực tuyến bằng phần mềm Zoom đã có những tin nhắn lừa đảo nhảy vào, hình ảnh không phù hợp xen vào. Hoặc, lừa đảo các em tham gia những cuộc thi hoa hậu và đề nghị gửi ảnh khỏa thân. Thông tin từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, số cuộc gọi liên quan đến trực tuyến đã tăng vọt trong thời gian qua, cho thấy trẻ em có nguy cơ rất cao bị xâm hại trên môi trường mạng.
Nhưng các nhà trường đã có hướng dẫn cơ bản cho học sinh sử dụng internet; không ít phụ huynh kiểm soát con sử dụng mạng?
- Phụ huynh bao giờ cũng muốn kiểm soát nhưng không thể bởi thời đại số và internet có ở khắp mọi nơi. Loại trừ con ra khỏi công nghệ số để bảo đảm an toàn không phải cách để nuôi dưỡng và phát triển trẻ toàn diện. Nếu cha mẹ nỗ lực kiểm soát, truy xét, phán xét như công an con lại phản kháng, đôi khi phản tác dụng như giấu giếm vào mạng, có thể gặp rủi ro nhưng không cho biết.
Để trẻ em sử dụng mạng an toàn, MSD đã thực hiện chiến dịch “Online vui, vùi Covid” và đưa ra những hướng dẫn cha mẹ, thầy cô hỗ trợ trẻ em tương tác an toàn trên mạng. Về lâu dài, quan trọng nhất là giáo dục và truyền thông để gia đình, nhà trường, trẻ em có kiến thức và kỹ năng tạo ra vaccine kháng sinh cho mình.
Mấy ngày trước, Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020 – 2025”. Bà kỳ vọng gì từ đề án này?
- Đề án đặt ra mục tiêu 100% trẻ em được giáo dục, 100% trẻ em bị xâm hại được xử lý. Tôi thấy hiện giờ Đề án đang khá hay trên khía cạnh giấy tờ và quy trình; có sự tham gia của các tổ chức xã hội và DN để hỗ trợ, giải quyết những vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng. Đề án tuy chưa đưa ra được những vấn đề cụ thể, tuy nhiên mở rộng cho các sáng kiến sẽ là giải pháp căn cơ hơn.
Một vấn đề rất hay là trong đề án là xây dựng chương trình bộ kỹ năng số và khuyến nghị Bộ GD&ĐT đưa vào chương trình giáo dục để trang bị cho học sinh. Nhưng điều tôi quan tâm là Bộ GD&ĐT đưa chương trình kỹ năng số này như thế nào, không thể theo cách dạy truyền thống; liệu giáo viên có đáp ứng được việc dạy trẻ em về công nghệ khi các em giỏi hơn nhiều. Vì thế, cần phải đặt trẻ em làm trọng tâm, công dân số mới có thể giải quyết được vấn đề thông qua những thảo luận tình huống, phương thức giải quyết, rút ra bài học.
Trong tháng 6 cao điểm về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, chúng ta cần có những hành động gì để bảo vệ các em trên môi trường mạng?
- Trong các nhà trường hãy tạo ra những diễn đàn nhỏ cho các em thảo luận về những trải nghiệm, khó khăn, thách thức khi tương tác trên môi trường mạng. Trong thời gian xảy ra Covid-19, các em tương tác trên môi trường mạng nhiều hơn, chắc chắn có nhiều thứ để chia sẻ và có thể đưa ra những nguyên tắc, xây dựng bộ quy tắc tự nguyện áp dụng của bản thân, trong lớp học. Và cùng nhau giám sát, chia sẻ, cho ý kiến để xây dựng môi trường mạng lành mạnh và an toàn.
Các cha mẹ dành nhiều thời gian hơn cho con, nói chuyện về an toàn trên mạng internet, đặc biệt là những trải nghiệm của con. Cha mẹ cùng con đặt ra những tình huống giả định, rồi phân tích, giải quyết. Cha mẹ không nên đổ lỗi cho con; khi con gặp vấn đề thì chia sẻ, hỗ trợ.
Xin cảm ơn bà!