Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Barca cận kề nguy cơ bị loại khỏi La Liga

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc trưng cầu dân ý ngày 9/11 sắp tới sẽ quyết định khả năng xứ Catalan được độc lập khỏi Tây Ban Nha, đồng nghĩa với việc các đội bóng của xứ này khó thể tiếp tục tham gia Liga.

Catalan hiện tại được ví như Scotland của Tây Ban Nha. Vào ngày 15/10, chính quyền vùng tự trị này sẽ quyết định xem có tổ chức một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 9/11 hay không.
Liga sẽ bớt hấp dẫn nếu thiếu một đội bóng như Barca.
Liga sẽ bớt hấp dẫn nếu thiếu một đội bóng như Barca.
Nếu Catalan trở thành một quốc gia mới sau cuộc bỏ phiếu đó, hai đội bóng hiện tại của xứ này là Barcelona và Espanyol sẽ không còn được phép tranh tài ở giải đấu danh giá của Tây Ban Nha. Theo ông Javier Tebas - Trưởng ban tổ chức các giải bóng đá quốc gia, luật thể thao hiện hành của nước này chỉ cho phép một CLB không thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha được quyền tham gia tranh tài ở các giải đấu chính thức của họ. Và suất ngoại lệ duy nhất này lâu nay đã thuộc về đội FC Andorra - CLB thành lập năm 1942, và đã có 17 mùa giải tranh tài ở giải hạng ba và sáu mùa thi đấu ở hạng tư Tây Ban Nha kể từ năm 1965. Andorra là một quốc gia nhỏ bé nằm ở dãy Pyrenees, giữa Tây Ban Nha và Pháp.

Trong trường hợp xảy ra điều tồi tệ nhất, tổn thất sẽ xảy đến với không chỉ riêng Barcelona mà còn cả với tính cạnh tranh của toàn giải vô địch Tây Ban Nha. Bởi đã từ lâu La Liga được coi là giải đấu của chỉ Real Madrid và Barcelona, khi hai đại gia này thay nhau thống trị suốt chín mùa giải trước khi Atletico Madrid bất ngờ phá vỡ trật tự với chức vô địch hiếm hoi ở mùa giải trước.

“Nếu Catalonia được công nhận nền độc lập, Barcelona chắc chắn sẽ không được phép tiếp tục thi đấu tại La Liga. Điều đó, nếu xảy ra, rõ ràng là một mất mát lớn cho nhiều bên. Tuy nhiên luật quy định như vậy, và chỉ có Nghị viện Tây Ban Nha mới có quyền thay đổi”, ông Tebas nhấn mạnh trong buổi họp báo tại Barcelona hôm thứ ba 7/10.

Vị trưởng ban tổ chức các giải bóng đá Tây Ban Nha còn chia sẻ: “Tôi tới giờ vẫn chưa thể tưởng tượng được tình trạng hệ thống giải bóng đá của chúng tôi một khi không còn Barca. Điều này cũng giống như cách tôi không thể hình dung được xứ Catalonia sẽ ra sao khi không còn là một phần của Tây Ban Nha. Nếu điều tồi tệ xảy ra, liệu các bạn sẽ gọi giải đấu hiện tại là gì nhỉ: giải vô địch Tây Ban Nha hay giải vô địch bán đảo Iberia?”.

Bất chấp nguy cơ đó, hai ngôi sao của CLB Barca và tuyển Tây Ban Nha, tiền vệ Xavi và trung vệ Gerard Pique vẫn ủng hộ việc tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc đòi độc lập. Hai anh cùng một số cầu thủ Barca khác đã tham gia cuộc mít tinh lớn, với sự góp mặt của khoảng 1,8 triệu người dân hồi tháng 9, để ủng hộ việc bỏ phiếu.

“Chúng tôi cũng giống như mọi công dân khác trên thế giới này đều có quyền được bỏ phiếu. Chúng tôi cần phải tiến hành cuộc trưng cầu để cho mọi người có cơ hội đưa ra ý kiến riêng của mỗi người. Rõ ràng là tôi ủng hộ cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 này”, tiền vệ Xavi của Barca phát biểu trong cuộc họp báo mới đây.

Nhưng ngôi sao này cũng khẳng định việc anh ủng hộ quá trình đòi ly khai cho xứ Catalan không đi ngược lại tình cảm và những gì anh đã cống hiến cho bóng đá Tây Ban Nha cũng như đội tuyển quốc gia. Xavi nói: “Tôi là một người con của vùng Catalan, và tôi muốn tham gia vào cuộc mit tinh như gần hai triệu người dân khác nơi đây. Tôi đi cùng với những người bạn của mình tới đó, nhưng không có gì để mọi người phải nghi ngờ về thái độ của tôi đối với bóng đá Tây Ban Nha cả. Tôi đã thi đấu hết sức cho đội tuyển những 11 năm qua, và sự cống hiến đó trong bóng đá là một điều gì đó khác biệt hoàn toàn so với việc ủng hộ một cuộc trưng cầu ý kiến người dân về một nền độc lập”.

Xavi nêu quan điểm như vậy, nhưng thực ra có nhiều hoạt động chính trị đã được gắn với hình ảnh và danh tiếng của Barca kể từ khi CLB này mới được thành lập. Mối liên hệ chính trị với đời sống văn hóa thể thao nơi đây thậm chí đã được tóm gọn trong chính khẩu hiệu của CLB: “Còn hơn cả một câu lạc bộ bóng đá”.

Ban lãnh đạo hiện tại của Barca tỏ thái độ không can thiệp vào vấn đề chính trị của địa phương, ngay cả khi tình hình đang ở trong giai đoạn cao trào nhất hiện nay. Tuy nhiên các cổ động viên nhiệt huyết của Barca, trong đó nổi bật có cả cựu chủ tịch Joan Laporta, đang kêu gọi toàn thể CLB này cần có nhiều tiếng nói hơn trong việc ủng hộ tiến hành một cuộc trưng cầu ý kiến dân chúng. Những người này thậm chí còn muốn Barca phải ở tuyến đầu trong chiến dịch ủng hộ các nhà chính trị theo chủ nghĩa dân tộc ở Catalan.

Tuy nhiên phát ngôn viên của Barca mới đây cho biết: “Đây là một vấn đề nhảy cảm. Câu lạc bộ nhìn chung sẽ không tham gia vào chính trị. Nhưng chủ tịch của chúng tôi đang cân nhắc khả năng trình bày một bài phát biểu trong ít ngày tới”.