Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất an về tăng trưởng, Trung Quốc lại cắt giảm lãi suất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ vài ngày sau khi số liệu công bố cho thấy GDP quý III chỉ đạt mức 6,9%, ghi nhận mức thấp trong vòng 6 năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã phải cắt giảm lãi suất lần thứ 6 liên tiếp kể từ tháng 11 năm ngoái nhằm đưa tăng trưởng quay trở lại quỹ đạo.

Nghi ngại và bất an

Thật ra, nếu so sánh với các nền kinh tế khác, 6,9% là con số đáng mơ ước. Tuy nhiên, với Trung Quốc, 6,9% không đơn thuần chỉ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009, mà còn thổi bùng lên nghi ngại về tương lai kinh tế của nước này. Bất chấp việc chính quyền Bắc Kinh khẳng định kinh tế nước này vẫn đang trong quỹ đạo “hoạt động bình thường”, nỗi bất an về “sức khỏe” thật sự của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên. Thậm chí, Bắc Kinh đang phải đối mặt với cáo buộc “thổi phồng” số liệu để “ru ngủ” nhà đầu tư khi Hãng tư vấn Anh Capital Economics khẳng định, GDP Trung Quốc thực tế chỉ đạt 4,5%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa thể hồi phục.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa thể hồi phục.
Câu chuyện “tô hồng” sổ sách và số liệu kinh tế của Bắc Kinh không phải là chuyện xa lạ nhưng lần này, nguy cơ thật sự ẩn sau những con số tăng trưởng ấy lớn hơn rất nhiều, bởi Trung Quốc đang là nền kinh tế có quy mô chiếm 16% GDP toàn cầu. Việc Trung Quốc vẫn đang là một trong những đầu tàu tăng trưởng hàng đầu hiện nay khiến thị trường thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên xuống thất thường mỗi khi nền kinh tế này có triệu chứng “hắt hơi, xổ mũi”.

Hạ lãi suất, tăng xử phạt

Trong bối cảnh sự nghi ngại về sức mạnh thật sự của nền kinh tế tăng cao cũng như nguy cơ “bong bóng chứng khoán” có thể vỡ bất cứ lúc nào, chính phủ Trung Quốc đã tìm mọi cách để hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực nhằm khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc sau một mùa hè đầy “kịch tính” vẫn đang trải qua những phiên trồi sụt thất thường.

Vì thế, việc đại diện Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC) chiều muộn 23/10 tuyên bố cắt giảm lãi suất cơ bản và dự trữ bắt buộc được cho là bước đi cần thiết nhằm nâng đỡ nền kinh tế đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Theo đó, lãi suất cho vay kỳ hạn một năm đã giảm xuống 4,35% từ 4,6%, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/10. Lãi suất tiền gửi cũng giảm từ mức 1,75% xuống 1,5%. Mức dự trữ bắt buộc áp dụng tại tất cả các ngân hàng cũng bị cắt giảm 0,5%.

Không chỉ cắt giảm lãi suất, để hỗ trợ thị trường, các cơ quan chức năng còn tăng cường xử phạt, siết chặt chế tài kiểm soát. Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc hôm 23/10 cũng khẳng định sẽ trừng phạt 12 trường hợp thao túng TTCK với hình phạt tổng cộng lên đến 2 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tương đương 314 triệu USD. 12 trường hợp này liên quan đến hoạt động thao túng giá thông qua các kênh khác nhau, đã làm trầm trọng thêm những diễn biến trong TTCK thời gian gần đây. Một trong số các trường hợp phải chịu hình phạt có liên quan đến một công ty ở nước ngoài sử dụng chương trình Qualified Foreign Institutional Investor (QFII) để thực hiện các hoạt động thao túng giá.

Những động thái nới lỏng tiền tệ, kích thích kinh tế này cho thấy quyết tâm của chính quyền Bắc Kinh nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay. Tuy nhiên, quyết định này chắc chắn sẽ tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu, sau những rối loạn mà các thị trường phải trải qua hồi cuối tháng 8 vừa qua khi Trung Quốc cắt giảm lãi suất lần thứ 5.