Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất an với thức ăn đường phố

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn đẩy mạnh công tác quản lý ATTP, Hà Nội đã lựa chọn 3 tuyến phố là Trung Liệt, Quán Thánh, Núi Trúc để triển khai thí điểm tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống đảm bảo ATTP.

Bài 1: Bẩn vẫn đắt hàng 

Bài 2: Chính quyền cơ sở “ngoảnh mặt làm ngơ”?

Sau 3 năm triển khai, tình trạng mất vệ sinh ATTP tại một số hàng quán trên các tuyến phố này vẫn diễn ra. Trong khi đó, chính quyền sở tại lại “dễ dãi” trong kiểm tra, xử phạt.

Chủ hàng ý thức kém…

Cách đây 3 năm, nguyên Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Lê Đức Thọ đã trực tiếp “vi hành” để lựa chọn 3 tuyến phố này làm thí điểm với mong muốn các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại đây phải đạt được 10 tiêu chí về đảm bảo ATTP thức ăn đường phố theo quy định của Bộ Y tế. Trong đó, cái “đích” là người kinh doanh có ý thức thực sự đảm bảo ATTP, không làm đối phó, bắt đầu đơn giản nhất là việc đeo găng tay khi chế biến thực phẩm, ghi chép đầy đủ nguồn gốc thực phẩm. Vậy nhưng, sau 3 năm, bên cạnh một số cửa hàng đã làm tốt thì vẫn tồn tại không ít cửa hàng, quán ăn tại 3 tuyến phố này vi phạm về ATTP.
Khu rửa bát của quán bún riêu trên phố Núi Trúc nhếch nhác, bẩn thỉu. Ảnh: Hà Ngân
Khu rửa bát của quán bún riêu trên phố Núi Trúc nhếch nhác, bẩn thỉu. Ảnh: Hà Ngân
Tại quán bún riêu trên phố Núi Trúc (đối diện siêu thị Minh Hoa), chỉ với khoảnh sân láng xi măng nham nhở chưa đầy 10m2, che nắng mưa bằng tấm bạt dứa đã sờn nhưng chủ hàng cũng kiếm bội tiền từ đó. Sau những ngày mưa rả rích của cơn bão số 3, nền sân tại quán ăn này lúc nào cũng lép nhép nước, nước mưa đọng lại trên bạt dột xuống, thỉnh thoảng có khách đang ăn lại bê bát chạy ra chỗ khác vì nước chảy vào người. Chủ hàng là một phụ nữ trung tuổi, tay trần bốc bún, hành, bóc giò, bốc thịt bò sống cho vào muôi chần để phục vụ các thực khách. Thoắt cái, đôi tay trần ấy lại mở ngăn kéo lấy tiền thừa trả lại. Chị phụ việc của quán cũng rất nhanh tay, đang thái thịt bò sống bằng tay trần, khách gọi rau sống lại nhanh tay bốc luôn từ rổ rau cạnh đó mời khách. Do không có sọt rác nên giấy ăn, thức ăn thừa khách gạt ngay xuống sàn nhà, rau sống vương vãi khắp nơi. Sát đó là khu rửa bát chỉ với một chậu nước hòa chút xà phòng và một chậu nước tráng. Không lau chùi lại, bát đũa cứ thế được luân phiên phục vụ các đợt khách tiếp theo. Nhắc khéo chủ hàng dùng găng tay, người phụ nữ này gắt lại: “Vướng víu lắm”. Tình trạng này cũng xảy ra tại một số cửa quán ăn trên tuyến phố này.

Tại phố Trung Liệt, mặc dù là điểm nhấn về đảm bảo ATTP nhưng ngay từ đầu phố, một cửa hàng cơm bụi hiện hữu rõ những nguy cơ mất ATTP. Thức ăn được bày trong khay, đặt trong tủ kính nhưng lại… không có cánh tủ. Trang bị kẹp để gắp thức ăn nhưng đôi lúc vì đông khách, chủ hàng lại tiện tay trần bốc vài miếng thịt, con tôm cho phần cơm của khách. Cửa hàng nhỏ, bát đĩa khách dùng xong vứt la liệt trong chậu ở ngay cửa nhà vệ sinh, ruồi nhặng... được dịp hả hê. Đặc biệt, là tuyến điểm về ATTP nhưng ngay giữa phố Trung Liệt, trước cửa phòng khám số 21 lại là một địa điểm tập kết rác thải. Nước rác chảy lênh láng ra đường, mùi hôi từ xe rác bốc lên. Chếch phía đối diện lại là một quán bún, ngày nắng nóng, khách phải “chịu trận” vì mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác tự phát này.

Chưa mạnh tay xử lý
Hà Nội phải thay đổi đi, nhiều năm nay thức ăn đường phố vẫn thế. Ngay ở phố Núi Trúc, cạnh Bộ Y tế, bao nhiêu hàng quán mất ATTP không thấy ai xử lý. Phải gắn trách nhiệm quản lý ATTP với chính quyền địa phương, giao trách nhiệm cho địa phương kiểm soát, xử lý.
Thứ trưởng Bộ Y tế

Nguyễn Thanh Long

Trách nhiệm quản lý thức ăn đường phố đã được giao cụ thể cho UBND cấp xã, phường. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng, cán bộ phụ trách chủ yếu kiêm nhiệm nên công tác này chưa thực sự đạt hiệu quả. Ông Hoàng Hy Thiêm – Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình cho biết, tuyến phố Núi Trúc có 25 cơ sở và tuyến phố Quán Thánh có 28 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Từ đầu năm 2016 đến nay, tại phố Quán Thánh đã xử phạt 3 cơ sở, phố Núi Trúc xử phạt 1 cơ sở với số tiền phạt 750.000 đồng/cơ sở. Điều đáng nói là lỗi vi phạm mà các cấp chính quyền tại đây xử phạt chỉ là… người chế biến không có giấy khám sức khỏe. Tuyệt nhiên, không có một văn bản xử phạt nào về tình trạng không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất hay chất lượng thực phẩm. Trong khi đó, qua tìm hiểu của phóng viên, đây lại là những lỗi thường thấy tại các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố. Như trường hợp quán bún riêu được đề cập ở trên, dù đã tồn tại khá lâu nhưng cho đến khi nhận được phản ánh của phóng viên, ông Thiêm mới tham mưu cho UBND phường Kim Mã tiến hành kiểm tra, xử lý sai phạm.

Bà Hoàng Hoài Loan - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt chia sẻ, phường có tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về ATTP nhưng số cửa hàng có người đến dự lại rất ít. Hơn nữa, cán bộ làm công tác ATTP có 7 người, song lại kiêm nhiệm nhiều công tác khác nên nhiều khi các quy định về ATTP cũng... không nhớ được hết (!?).

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh, đặc biệt ở 10 xã, phường thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP. Tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa kiên quyết, chủ yếu là nhắc nhở. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố trên địa bàn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động… gây khó khăn cho thanh tra chuyên ngành ATTP trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Thêm vào đó, tâm lý “làng xóm, họ hàng” làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm, không tạo ra sức răn đe. Trước tình trạng trên, ông Hiền cho rằng, chính người dân cũng nên tham gia vào giám sát ATTP thức ăn đường phố. Khi phát hiện vi phạm, có thể báo lên chính quyền địa phương hoặc số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế, Công Thương, NN&PTNT để các ngành chức năng kiểm tra và xử lý.