Là một trong những đơn vị tham gia Hội thảo quốc tế về địa kỹ thuật cho phát triển cơ sở hạ tầng bền vững (GEOTEC HANOI 2019) diễn ra từ 28 - 29/11 tại Hà Nội, đại diện Công ty TNHH Kokusai Kogyo (KKC) ông Mitsumoto Nakamura, Trưởng phòng Kỹ thuật cho biết, nhiều công nghệ mới sẽ được trình diễn tại sự kiện.
Theo ông Mitsumoto Nakamura, Việt Nam có tần suất xuất hiện sạt trượt lớn vì Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về địa chất. Miền Bắc Việt Nam vào mùa mưa thường xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài, theo số liệu thống kê hàng năm thì có rất nhiều điểm sạt lở và lũ quét xảy ra, gây thiệt hại rất lớn về con người và kinh tế. “Để giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai, chúng ta cần đưa khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào để cảnh báo sớm các nguy cơ tiềm ẩn ở các khu vực xung yếu cho chính quyền và người dân địa phương. Chúng tôi thường đề xuất các giải pháp quan trắc để giảm thiệt hại từ trước khi xảy ra, thay vì khắc phục hậu quả sau đó” - ông Mitsumoto Nakamura nói.
Các công nghệ mới cho phép đo quan trắc sự dịch chuyển của bề mặt địa hình, giúp cảnh báo sớm đến cơ quan quản lý và chủ đầu tư để có hướng khắc phục sự cố sớm, nhằm giảm nhẹ các thiệt hại do sạt lở, lũ quét, sập đê đập, cầu, hầm… Nhờ các thiết bị siêu âm có thể đánh giá tình trạng mặt đường. Thiết bị công nghệ này cũng tích hợp giữa máy ảnh kỹ thuật số và máy quét Li-dar, thu được hình ảnh trực quan và dữ liệu siêu âm bề mặt, các vết nứt, sụt lún bề mặt.
Theo các chuyên gia, trong thảm họa thiên tai, nếu làm tốt công tác phòng chống và cảnh báo thì sẽ giảm được rất nhiều thương vong rủi ro. Những thiệt hại về kinh tế thì có thể tính toán, nhưng mất mát về con người không đo đếm được. Với các công trình đường bộ, cầu, hầm nếu kiểm tra định kỳ, báo cáo tình trạng cho chủ đầu tư, và đề xuất phương án cải tạo sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của công trình, cải thiện trước khi xuống cấp.
“Để làm giảm nhẹ thảm họa thiên nhiên đó, chúng tôi cung cấp dịch vụ để giải quyết vấn đề này”, ông Mitsumoto Nakamura nói. Các chuyên gia sẽ xây dựng dữ liệu nền cho các nguyên nhân như bản đồ địa hình, điều kiện thổ nhưỡng, thảm thực vật, lượng mưa, tổng hợp thông tin những vụ sạt lở đã xảy ra trong quá khứ, để xây dựng các nguy cơ tiềm ẩn. Các thiết bị cảm biến cũng được lắp đặt để phân tích độ dịch chuyển bề mặt các khối trượt khi có mưa lớn kéo dài, từ đó tổng hợp và đưa ra cảnh báo cho chính quyền, người dân sinh sống ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Về giải pháp công trình, đối với sạt lở, sụt lún, Viện nền móng và công trình ngầm FECON đang cung cấp những gói giải pháp tổng thể, từ nghiên cứu đến thi công nền, móng, công trình ngầm và hạ tầng. Trong đó có sử dụng kết cấu tường chắn cứng, tường chắn mềm, thiết lập hệ thống thoát nước chủ động nhằm giảm thiểu nước mưa ngấm vào sườn dốc (cắt nước, phân bổ lại hệ thống thoát nước), sử dụng neo và đinh đất, phủ trồng cỏ và phun bê tông bề mặt, dùng hệ lưới bọc, lưới ngăn chống đất đá rơi...
Theo ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FECON, Việt Nam nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt điều kiện địa chất rất phức tạp dẫn đến việc phải đối mặt với những vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình hạ tầng trên toàn quốc.
Vì vậy, các nhà khoa học, các nhà làm chuyên môn cùng nhau tìm giải pháp tối ưu cho mỗi điều kiện địa chất, thủy văn cùng với yêu cầu khai thác cụ thể của mỗi công trình, ứng dụng công nghệ phù hợp để mỗi công trình đảm bảo 3 tiêu chí an toàn bền vững, thân thiện môi trường với giá thành thấp nhất.