Bất bình đẳng vaccine: Omicron làm lộ rõ bất cập từ câu chuyện châu Phi

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi xuất hiện lần đầu tại Nam Phi vào cuối tháng 11, biến thể Omicron của virus SARS-CoV2 đã lan ra hơn 40 quốc gia trên toàn cầu với những bí ẩn xoay quanh chưa được giải đáp.

Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), đồng Chủ tịch Liên minh vaccine cho mọi người - Winnie Byanyima khẳng định, nguyên nhân biến thể Omicron lây lan nhanh chóng là do thế giới không đáp ứng được mục tiêu về tiêm phòng Covid-19.
Theo bà Byanyima, hoạt động kinh doanh đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các hãng dược phẩm, tuy nhiên việc vẫn còn nhiều người chưa tiêm phòng đồng nghĩa rằng virus sẽ có nguy cơ tiếp tục lây lan. Thế giới sẽ không thể đón nhận kết quả tốt đẹp hơn nếu vẫn tiếp tục hành động như cũ.
Biến thể Omicron làm lộ rõ “bất bình đẳng vaccine”
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Liên minh vaccine cho mọi người vừa công bố các số liệu mới, theo đó số người được tiêm phòng mũi tăng cường tại Anh đang bằng với tổng số người tiêm phòng hai mũi tại tất cả các nước nghèo nhất trên thế giới.
 Sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã một lần nữa nhấn mạnh sự thiết yếu của công bằng vaccine Covid-19 trên toàn cầu. Ảnh: SCMP
Cụ thể, sau khi Anh thông báo mở rộng chương trình tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người trưởng thành tại nước này, tổng cộng có 20 triệu người đã tiêm phòng mũi thứ ba vaccine ngừa Covid-19.
Cứ 15 người châu Phi thì chỉ có 1 người đã hoàn thành tiêm chủng, trong khi gần 70% dân số các nước trong Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã được tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó, theo trang Our World In Data, chỉ có 20 triệu người đã tiêm phòng đầy đủ tại toàn bộ 27 quốc gia mà Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào danh sách các nước thu nhập thấp.
Giám đốc chính sách y tế của tổ chức từ thiện Oxfam Anna Marriott cảnh báo, trong bối cảnh biến thể Omicron xuất hiện, rõ ràng việc bỏ các nước đang phát triển lại phía sau và đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường sẽ không giúp chấm dứt đại dịch. Theo bà, nguy cơ tái diễn các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới là rất cao, trừ phi tất cả các nước hoàn tất công tác tiêm phòng đầy đủ sớm nhất có thể.
Bà Marriott nhấn mạnh, dù không thể xóa bỏ sai lầm đã mắc phải trong 21 tháng vừa qua, song các nước giàu cần vạch ra lộ trình mới để thuyết phục các công ty dược chia sẻ công nghệ với các nhà sản xuất trên toàn thế giới, từ đó đảm bảo mục tiêu tiêm phòng cho người dân tại tất cả các nước và kết thúc được đại dịch.
Giải pháp cho công bằng vaccine còn mờ mịt
Hiện những thông tin xoay quanh biến thể Omicron vẫn chưa hoàn toàn được làm rõ, nhưng các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo thế giới đã viện dẫn sự bất bình đẳng rõ rệt trong việc tiếp cận vaccine là nguyên nhân khiến virus có tiếp tục lây lan - động cơ cho sự xuất hiện của các biến thể.
Do đó, việc xuất hiện Omicron được coi là một trong những hồi chuông cảnh tỉnh và kêu gọi khẩn cấp về quyên góp liều lượng, chia sẻ công nghệ và cải cách toàn cầu trong công nghiệp vaccine. 
Tại cuộc họp tuần trước tại WHO, Bộ trưởng Y tế Ghana Kwaku Agyemang-Manu nằm trong số những người cho rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra là do các quốc gia giàu có "tích trữ vaccine". Giới chức này cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến đại dịch đều phải bao gồm việc xây dựng năng lực sản xuất vaccine địa phương ở châu Phi và các nước đang phát triển khác "để chấm dứt sự phụ thuộc của thế giới vào một số nhà sản xuất vaccine". Tuy nhiên, liệu biến thể Omicron có thể là động lực thúc đẩy một cuộc cải tổ hệ thống vaccine trên toàn cầu hay không vẫn còn phải xem xét.
Antoine Flauhalt, giám đốc Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Geneva, gọi công bằng trong sản xuất, phân phối và tiếp cận vaccine và sản phẩm y tế là "điều kiện tiên quyết của bất kỳ thỏa thuận ước nào". Tuy nhiên, để đạt được điều này sẽ đòi hỏi một loạt các hành động, bao gồm cả việc miễn trừ bằng sáng chế, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực và quan hệ đối tác công tư.
Trong hơn một năm qua, Nam Phi đã liên tục thúc đẩy đề xuất từ ​​bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 và các sản phẩm y tế khác nhằm tăng cường sản xuất. Đề xuất - được hơn 100 quốc gia ủng hộ - đã bị một số quốc gia giàu có chặn lại. Dù nằm trong chương trình nghị sự cho cuộc họp tuần trước của WTO, đề xuất đã bị hủy bỏ do lệnh cấm đi lại vì biến thể Omicron. Trong trường hợp không có cuộc họp đó, tương lai của đề xuất trên- giống như khả năng tiếp cận vaccine toàn cầu trong bối cảnh Omicron đang lan rộng - vẫn chưa rõ ràng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần