Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về dự án đầu tư, quản lý theo hình thức BOT tại một số dự án. Điều đáng quan tâm là tất cả các dự án BOT này đều áp dụng hình thức chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả những nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án. Bản chất của việc chỉ định nhà đầu tư chính là cơ chế xin - cho, không có tính cạnh tranh, gây ra nhiều hệ lụy về tính minh bạch, chất lượng công trình, tính hiệu quả cũng như giá cả dịch vụ.
Những dự án nổi tiếng “lùm xùm”
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ là một trong những điển hình về chỉ định thầu. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, Bộ GTVT thiếu cơ sở khi cho rằng đây là dự án cấp bách để trình Thủ tướng Chính phủ phương án chỉ định nhà đầu tư. Hơn nữa, Bộ GTVT đã không thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục đầu tư dự án BOT theo hướng dẫn tại Nghị định 108/2009 của Chính phủ. Vì vậy, thông tin về dự án được công bố không rộng rãi, minh bạch, kịp thời để các nhà đầu tư có thể tiếp cận thuận tiện, bình đẳng.
Tương tự, dự án BOT Quốc lộ 6 cũng nhập nhằng thông tin và cuối cùng là chỉ định thầu. Điều này đã khiến chính những người dân hàng ngày đi qua tuyến đường này đều nghi ngờ tính minh bạch cũng như hiệu quả của dự án.
“Ta nên đấu thầu công khai, nhà thầu nào rẻ thì cho chứ không phải ta chì định, tôi quen biết ông tôi cho ông dự án này và ông phải cho tôi cái gì đấy, tôi nói ở đây là cho tôi cái gì đấy, làm như thế là không minh bạch”, anh Phạm Văn Vượng, người dân ở Thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình nói.
Thực tế, triển khai đầu tư theo hình thức BOT trong lĩnh vực giao thông thời gian qua đã cho thấy nhiều dấu hiệu bất cập về việc chỉ định thầu. Theo thống kê của Bộ GTVT, trong giai đoạn 2011 – 2015, toàn quốc có 71 dự án BOT giao thông thì 100% đều chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, dù trong số đó không ít nhà đầu tư yếu kém về năng lực, không đáp ứng đúng yêu cầu của dự án. Thế nhưng, Bộ GTVT vẫn chưa thể trả lời câu hỏi vì sao họ lại được chỉ định thầu?
Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng: với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi nhìn thấy bất cập trong cơ chế chỉ định nhà đầu tư.
“Nếu không có cơ chế thị trường, không có cạnh tranh và không có cơ chế đảm bảo từng dự án một đưa ra mời gọi các nhà đầu tư nó có khả thi về mặt xã hội, khả thi về kinh tế tài chính thì thị trường BOT của chúng ta khó phát triển trong thời gian tới”.
BOT có gì phải bí mật?
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: tất cả bức xúc của các dự án BOT đều có căn nguyên chung là chúng ta thiếu luật về BOT và hầu hết dự án BOT gây bức xúc là các dự án chỉ định thầu.
“Ở đó chỉ có sự thương lượng, thống nhất ý kiến nội bộ rất kín bao gồm chủ đầu tư, hoặc đơn vị ngành, hoặc Bộ chứ không có mở rộng ý kiến phản biện xã hội, đặc biệt là ý kiến đối tượng phải thu thuế cho nên nó tạo ra cú sốc cả mức thu lẫn điều kiện thu phí như thế nào…”, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong phân tích.
Phân tích thêm về nguyên nhân của những bức xúc, các chuyên gia cho rằng hầu hết các dự án BOT hiện nay đang vướng phải những bất cập, đó là từ những lỗ hổng chính sách tạo ra sự thiếu sự minh bạch.
Việc cần làm là phải cấm đưa những điều khoản bảo mật vào trong hợp đồng BOT. Về nguyên tắc, hợp đồng BOT là hợp đồng hành chính nhà nước, không thể giải quyết như hợp đồng dân sự thông thường, các bên có thể thỏa thuận bảo mật với nhau mà phải đảm bảo nguyên tắc của quản lý hành chính Nhà nước.
“Nếu như không phải vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia thì phải công khai cho người dân biết, giám sát. Trên nhiều quốc gia cũng có quy định về việc cấm những điều khoản bảo mật như vậy trong các hợp đồng BOT và yêu cầu phải tham vấn trước những hợp đồng đối tác công tư đối với người dân trước khi cơ quan nhà nước đặt bút ký”, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích.
Rõ ràng, chỉ định thầu ở các dự án BOT đã triệt tiêu tính cạnh tranh và đang gây ra nhiều hệ lụy về chất lượng, tiến độ và hiệu quả, sự minh bạch của dự án. Bộ GTVT cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều lần cho rằng cần phải ra đạo luật riêng cho đầu tư đối tác công - tư (PPP) để xóa bỏ cơ chế xin – cho trong việc chỉ định thầu. Đây chính là mấu chốt gây ra nhiều hệ lụy của các dự án BOT, mà hệ lụy lớn nhất là người dân mất niềm tin về sự minh bạch ở các dự án này.