Tạo thuận lợi
Luật ĐGTS quy định tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức ĐGTS mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 5 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức ĐGTS.
Người tham gia đấu giá và tổ chức ĐGTS có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng. Quy định này nhằm tránh tình trạng tổ chức ĐGTS thu tiền mặt và sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào mục đích khác. Qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia đấu giá.
Tuy nhiên, đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn xa các ngân hàng thương mại, đi lại khó khăn nên ảnh hưởng đến việc người dân đi nộp tiền và nhận lại tiền đặt trước tại ngân hàng.
Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến, đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn xa các ngân hàng thương mại, việc đi lại khó khăn, người tham gia đấu giá có thể ủy quyền cho cá nhân khác nộp tiền đặt trước tham gia đấu giá theo quy định của Bộ luật Dân sự và thỏa thuận với tổ chức ĐGTS về việc nhận lại tiền đặt trước bằng tiền mặt.
Về thời gian thu tiền đặt trước, tại khoản 2 Điều 39 Luật ĐGTS đã quy định tổ chức đấu giá chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 3 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá, trừ trường hợp tổ chức ĐGTS và người tham gia đấu giá có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu giá.
Hạn chế vi phạm
Tại điểm d khoản 2 Điều 9 Luật ĐGTS quy định nghiêm cấm tổ chức ĐGTS để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi.
Bên cạnh đó, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng đã quy định đấu giá viên không được tiết lộ thông tin mà mình biết được về người tham gia đấu giá. Với các quy định nêu trên, khi hết hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, người đăng ký vẫn có thể nộp tiền đặt trước vào 2 ngày sau đó. Vì vậy, quá trình triển khai thực hiện còn có tình trạng nhiều khách hàng đã đăng ký tham gia đấu giá mà chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thoả thuận với nhau. Sau đó chỉ có một hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản, những người khác không nộp tiền đặt trước chỉ bị mất tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá.
Ngoài ra, hiện nhiều tổ chức đấu giá cũng đang lúng túng đối với hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp, trường hợp người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước nhưng không bỏ phiếu trả giá mà vẫn tham gia buổi công bố giá thì có được coi là không tham gia cuộc đấu giá không và có bị xử lý tiền đặt trước hay không? Những vấn đề này cần được xem xét, hướng dẫn cụ thể.
Do vậy, để hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá như nêu trên, Luật ĐGTS đã có quy định về việc người có tài sản có quyền yêu cầu tổ chức đấu giá, đấu giá viên dừng việc tổ chức ĐGTS, dừng cuộc đấu giá.
Bên cạnh đó, tại Điều 218 BLHS quy định cấu thành tội phạm đối với hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán ĐGTS. Các tổ chức ĐGTS cần thực hiện nghiêm các quy định này, khi có vi phạm cần phát hiện, xử lý kịp thời, vi phạm đến mức phải xử lý hình sự thì cần phải khởi tố để đảm bảo tính răn đe.