Nhưng do hoạt động biến tướng của nhiều công ty đã gây ra hệ lụy nguy hiểm cho xã hội. Phải chăng mô hình bán hàng này chưa phù hợp với Việt Nam?
Hàng loạt công ty hoạt động không phép
Có thể kể đến Công ty TNHH Đầu tư phát triển An Phát Thịnh (gọi tắt là Công ty An Phát Thịnh) quảng cáo rầm rộ các loại sản phẩm bột đậu Hà Lan với lời quảng cáo truyền miệng qua các hội thảo bán hàng là hàng nhập khẩu rất tốt cho sức khỏe, có giấy phép kinh doanh đầy đủ, dạy cách làm giàu theo hình thức kinh doanh đa cấp. Để thành nhân viên, nhất thiết khách hàng phải mua các sản phẩm của công ty. Nhiều người đã bỏ ra hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu mua sản phẩm để thành nhân viên bán hàng cấp 1 của công ty. Thế nhưng, trả lời báo chí vào ngày 10/9, đại diện Công ty An Phát Thịnh cho biết, công ty kinh doanh mặt hàng bột đậu Hà Lan, là hàng sản xuất trong nước theo hình thức phân phối truyền thống. Hiện công ty chưa được cấp phép kinh doanh đa cấp nhưng có “trả thưởng” hỗ trợ cho một số khách hàng.
Bên cạnh Công ty An Phát Thịnh, thì mới đây, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra Công ty CP Thương mại Quốc tế Focus Việt Nam và đưa ra quyết định xử phạt hành chính với tổng mức xử phạt và biện pháp khắc phục hơn 93 triệu đồng. Theo quyết định xử phạt, phạt tiền Công ty CP Thương mại Quốc tế Focus Việt Nam 12 triệu đồng với hành vi kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cụ thể, theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công ty này có địa chỉ tại số 12, tổ 44 phố Trung Kính, Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhưng lại hoạt động kinh doanh tại địa chỉ tầng 6, số 289A, đường Khuất Duy Tiến (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Phạt tiền 80 triệu đồng đối với hành vi tổ chức bán hàng đa cấp khi chưa có giấy chứng nhận bán hàng đa cấp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Cùng đó, công ty này phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm vào ngân sách hơn 1,4 triệu đồng.
Trước đó, ngày 31/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Đức Thọ - Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Trí Việt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là đối tượng đầu tiên ở Hà Nội bị khởi tố do hoạt động kinh doanh đầu tư tài chính đa cấp trên mạng. Trong thời gian làm giám đốc, Thọ đã lập website: vip-viet.com với mục đích kêu gọi đầu tư tài chính qua mạng internet với lãi suất “không tưởng”, từ 2,3 - 2,5%/ngày cho mức tiền gửi từ 30USD trở lên. Với mức siêu lãi suất này, chỉ trong một thời gian ngắn, công ty của Thọ đã huy động được hơn 100.000USD của hàng ngàn người dân tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cơ quan công an xác định, hình thức huy động vốn nói trên là lấy tiền của người gửi trước trả lãi cho người gửi sau và các dự án được vẽ ra đều là ảo. Ngoài ra, cơ quan chức năng làm rõ, công ty của Thọ không có chức năng huy động ngoại tệ dưới bất kỳ hình thức nào.
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy và nhiều cơ sở, chi nhánh của công ty ở các tỉnh, TP đã bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vì nhiều hành vi sai phạm với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Được hoạt động, nhưng chịu sự ràng buộc trong quản lý
Từ khi Luật Cạnh tranh ra đời, có hiệu lực từ ngày 1/7/2005 và Nghị định 110/NĐ-CP được ban hành vào 24/8/2005, đã thừa nhận tính hợp pháp của kinh doanh đa cấp. Ngày 14/5/2014, Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã siết chặt hơn hoạt động kinh doanh đa cấp. Để đảm bảo các công ty kinh doanh đa cấp không lừa đảo người tham gia, các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể “Những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp”.
Theo đó, các DN bán hàng đa cấp phải chịu nhiều quy định ràng buộc. Cụ thể, các DN không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới. DN không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới; không được kinh doanh theo mô hình kim tự tháp. Người tham gia bán hàng đa cấp không được cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hoá, hoạt động của DN bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia… Căn cứ theo những quy định này, rõ ràng, các DN kinh doanh đa cấp rất khó lừa những người tham gia. Vậy tại sao, nhiều DN mô hình này vẫn làm loạn trong xã hội, khiến nhiều người “tiền mất, tật mang”?
Thủ đoạn lừa đảo của các DN kinh doanh đa cấp ngày càng lộ liễu. Thủ đoạn thứ nhất, nhiều DN dù chưa được cấp phép nhưng vẫn thực hiện kinh doanh với những sản phẩm chất lượng thấp, sản phẩm ảo; đồng thời, tổ chức hội thảo rầm rộ với hàng nghìn người tham dự. Thủ đoạn thứ hai, DN lợi dụng giấy phép kinh doanh đa cấp, lách quy định bằng cách thuyết phục những người tham gia ký giấy tự nguyện mua hàng, trả tiền huấn luyện, tham gia hội thảo, tập huấn để được nhận sản phẩm miễn phí. Thủ đoạn thứ ba là quảng cáo sai sự thật về sản phẩm và phương thức kinh doanh. Các DN kinh doanh đa cấp này đều vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định cụ thể của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP. Vậy tại sao các cơ quan chức năng không sớm phát hiện được, chỉ khi có nhiều đơn tố cáo, cơ quan công an vào cuộc mới phát hiện lừa đảo?
Rà soát khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn
Tại Nghị trường Quốc hội mới đây, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) thông tin, tình trạng kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo liên tục được phản ánh trong thời gian gần đây. Sự việc xảy ra ở mức độ rất nghiêm trọng, khiến có những sinh viên phải bỏ học, tự tử vì dính vào đa cấp.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, từ thời điểm Nghị định 42 được ban hành, đã có 105 DN được các sở Công Thương cấp giấy phép đăng ký bán hàng đa cấp và có thêm 59 DN được Bộ Công Thương cấp phép. Có 3 trường hợp chủ yếu liên quan đến các DN bán hàng đa cấp. Nhóm thứ nhất là các DN không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, điển hình vừa qua có Công ty CP Kết nối dịch vụ Rồng Vàng Đất Việt, Công ty Dịch vụ Media Việt Nam… Nhóm thứ hai là các DN dựa trên mô hình bán hàng đa cấp. Một số DN không được phép kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp mà sử dụng mô hình trả thưởng theo đa cấp để kinh doanh, gồm các loại hình dịch vụ, thậm chí huy động vốn để lừa đảo người tiêu dùng tham gia, gây bức xúc cho cộng đồng. Đây là trường hợp lợi dụng kinh doanh đa cấp để trục lợi, chẳng hạn Công ty CP Đầu tư Triệu Phước, MB24… Loại thứ ba là các DN được cấp giấy phép bán hàng đa cấp nhưng lại hoạt động không đúng với mục tiêu đăng ký, hiểu sai, hoặc cố tình hiểu sai dẫn đến thiệt thòi cho người tiêu dùng. Những sai phạm này, bên cạnh Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp, sẽ phải rà soát lại khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn, tránh tình trạng các cá nhân, tổ chức lợi dụng.
Trước đó, trước những bức xúc của dư luận, ngày 14/9/2015, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản 7290/VPCP truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động của các tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp; phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản và đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Một lớp huấn luyện bán hàng đa cấp thu hút khá đông người.
|
Các học viên nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa huấn luyện bán hàng đa cấp.
|
(Còn nữa)