Tuy nhiên, mặt trái của làng nghề là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày một nghiêm trọng. Thiếu mặt bằng sản xuất Nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề là thiếu mặt bằng sản xuất. Đơn cử như, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì những năm gần đây phát triển nhiều nghề như dệt may, thu gom tái chế phế liệu, tơ sợi… Những nghề này giúp người dân có thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng. Hiệu quả kinh tế lớn song tình trạng nước thải đổ trực tiếp ra sông hồ, rác thải, chất thải đổ dọc các tuyến đường, bãi đất trống cũng không còn là điều xa lạ. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều tự phát, manh mún nên không đủ vốn đầu tư cho công nghệ xử lý rác thải. Bên cạnh đó, nhận thức về tác hại từ rác thải của một bộ phận người dân chưa cao nên chưa tự giác thực hiện các quy định thu gom, quản lý, xử lý rác thải. Một số văn bản pháp luật đã được ban hành nhưng việc áp dụng lại gặp nhiều khó khăn.
Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, UBND xã Tân Triều đã tổ chức phổ biến luật đến người dân, đặc biệt là các hộ đang làm nghề. Xã cũng ban hành những văn bản yêu cầu làng nghề Triều Khúc phải đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường, như có địa điểm thu gom rác thải, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường… Tuy đã có những biện pháp thiết thực, song vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại. Cụm công nghiệp làng nghề tập trung được đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2009 nhưng do những bất cập trong quản lý nên chỉ một vài hộ sản xuất lớn đấu thầu được, còn phần lớn các hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn phải sản xuất ngay tại gia đình. Chính những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đến môi trường của địa phương. Còn nhiều bất cập Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cơ – Bí thư Chi bộ thôn Triều Khúc chia sẻ: “Tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất diễn ra nhiều năm nay. Cụm công nghiệp làng nghề được xây dựng nhưng ít hộ được ra vì không đủ tiêu chuẩn. Có thể thấy việc xây dựng cụm công nghiệp làng nghề là một chủ trương đúng song vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Ngoài việc diện tích bên trong cụm công nghiệp được phân bổ chưa hợp lý, còn bởi những quy định trong đấu thầu khiến chỉ một vài hộ sản xuất lớn có đủ tiêu chuẩn. Từ đó dẫn đến tình trạng diện tích trong cụm công nghiệp thừa, trong khi mặt bằng sản xuất tại nhà của nhiều hộ lại thiếu. Những bất cập này khiến cho việc quản lý của UBND xã Tân Triều gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Vy – Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết thêm: “UBND xã cũng cử cán bộ kiểm tra tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, do không được trang bị phương tiện đo kiểm nên người thực hiện nhiệm vụ cũng chỉ “cảm nhận được bằng mắt thường” về độ ô nhiễm. Chúng tôi đề nghị cần trao thêm thẩm quyền cho cấp xã và có cơ chế để các lực lượng bảo vệ môi trường phối hợp với địa phương xử lý”. Không chỉ chính quyền khó khăn trong quản lý mà ngay chính người làm nghề cũng đang gặp khó về rác thải sản xuất. Một người dân làng Tân Triều chia sẻ: “Chúng tôi cũng muốn xử lý rác thải độc hại lắm. Nhưng diện tích gia đình thì có hạn, chỗ sản xuất còn chẳng đủ, lấy đâu ra chỗ mà xử lý rác thải”. Có thể thấy, những vấn đề về bảo vệ môi trường ở các làng nghề vẫn chưa được xử lý, giải quyết triệt để do chưa hợp lý ngay từ khâu quy hoạch. Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có hiệu lực thi hành, nhưng để Luật đi vào cuộc sống rất cần có những hướng dẫn, quy định chặt chẽ hơn nữa. Các cấp chính quyền cần thực hiện đồng bộ từ khâu quy hoạch đến tổ chức, phân bổ sản xuất, trong đó ưu tiên quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Nếu không, môi trường làng nghề có thể bị hủy hoại nghiêm trọng và chính những người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
Nơi tập kết phế liệu của một số cơ sở tái chế tại xã Tân Triều. |