Vậy là sau nhiều lần trông ngóng đến nay các nhà mạng đã chính thức bước vào cuộc đua 4G hứa hẹn mang lại nhiều tiện ích tối đa dành cho người dùng.
Thử nghiệm thành công
Việc Gtel được cấp phép 4G là thông tin khá bất ngờ bởi trước đó trong 4 DN xin cấp phép thử nghiệm 4G không có Gtel. Giấy phép cung cấp thử nghiệm 4G được Bộ TT&TT cấp cho Viettel, VNPT, MobiFone và FPT Telecom.
Trên cơ sở đó, năm 2015 Viettel thử nghiệm 4G tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội, sau đó cung cấp 4G LTE cho khách hàng di chuyển đến một số nước nhất định như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kong, Mỹ, Nga vào tháng 6 năm nay. Còn VNPT, công ty mẹ của nhà mạng VinaPhone cũng thí điểm dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh và Phú Quốc từ đầu năm 2016. Trong khi MobiFone bắt đầu dự án thử nghiệm tại Hà Nội, Đà Nắng và TP Hồ Chí Minh vào tháng 7/2016. Sau một thời gian thử nghiệm, các nhà mạng đều khẳng định họ đã sẵn sàng để triển khai 4G, thời gian thử nghiệm cung cấp dịch vụ 4G cho kết quả tốt.
Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel hoàn thành thử nghiệm mạng và cung cấp dịch vụ 4G với hạ tầng triển khai 157 trạm 4G tại Vũng Tàu. Quá trình thử nghiệm cho thấy chất lượng dịch vụ data trên nền 4G LTE vượt trội so với dịch vụ data trên nền 3G.
Còn ông Lương Mạnh Hoàng, Chủ tịch Tổng Công ty VNPT-VinaPhone cũng tuyên bố nhà mạng này đã có sự chuẩn bị chu đáo và đầu tư bài bản cả về mạng lưới và dịch vụ 4G. Kết quả thử nghiệm 4G của VNPT tại Phú Quốc và TP Hồ Chí Minh đã cung cấp được tốc độ truyền dẫn ngang với dịch vụ cáp quang hiện nay mà các nhà cung cấp đem tới cho khách hàng.
Cuộc đua 4G cũng không thể không kể đến nhà mạng MobiFone, với tiềm lực sẵn có về hạ tầng viễn thông, MobiFone đã ra mắt thử nghiệm dịch vụ 4G tại 3 TP lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, nhà mạng MobiFone đã công bố kết quả thử nghiệm 4G đồng loạt tại 3 TP với tốc độ lên đến 225 Mbps/75Mbps. Được biết, MobiFone đã cho thử nghiệm SIM 4G trên hệ thống mạng của mình.
Trong số 4 DN được cấp phép thử nghiệm, duy chỉ có FPT Telecom đến nay vẫn chưa đưa ra thông tin gì về việc thử nghiệm 4G cũng như xin cấp phép 4G.
Hạ tầng, thiết bị có tương thích?
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT, các nhà mạng được cấp phép 4G trên băng tần 1800 MHz. Đây là băng tần mà các nhà mạng này đã được Bộ TT&TT cấp phép trước đây cho 2G. Việc đấu giá băng tần 2.6 GHz có thể phải đợi đến năm 2017.
Việc triển khai 4G là xu hướng tất yếu, song các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại do thiết bị hỗ trợ 4G còn chưa phổ biến với đa số người dân Việt Nam nên việc các nhà cung cấp dịch vụ 4G sẽ gặp không ít khó khăn trong việc triển khai. Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 136 triệu thuê bao di động, trong đó có khoảng 37 triệu thuê bao 3G, với 5% trong số đó tương thích với công nghệ 4G.
Nhưng từ góc độ của DN, các nhà mạng vẫn tin tưởng cho rằng việc cấp phép để triển khai 4G vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của viễn thông thế giới. Đại diện Viettel cho hay, với công nghệ 4G, Viettel hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ video HD 720p mọi nơi trong vùng phủ sóng 4G. Các tiêu chuẩn khác cũng đảm bảo theo các quy chuẩn kỹ thuật mà Bộ TT&TT ban hành. Đặc biệt không có hiện tượng can nhiễu do việc chuyển tần số 2G 1800 MHz sang 4G, chất lượng dịch vụ thoại fall back về 3G đảm bảo giống như chất lượng thoại trên 3G. Hiện Viettel đã sản xuất được thiết bị 4G và nhiều thiết bị đã được triển khai tại Việt Nam.
Chia sẻ vấn đề này, đại diện MobiFone khẳng định đã hoàn thành các kịch bản kinh doanh với nhiều dịch vụ hữu ích gồm data tốc độ cao và các dịch vụ khác như: truyền hình Broadcast trên nền tảng eMBMS, dịch vụ truyền hình Unicast, dịch vụ Video 4K, MobiTV...