Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt đầu từ người thầy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một cuộc hội thảo bàn tròn về nâng cao chất lượng giáo dục mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh ngành giáo dục đang tìm hướng đổi mới căn bản và toàn diện, vai trò của nhà giáo cần được đặt lên hàng đầu.

Khi nói đến nâng cao chất lượng giáo dục trong điều kiện hiện nay, PGS.TS Nguyễn Công Khanh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: "Hiện nay trong hệ thống nhà trường của chúng ta mới làm được dạy chữ, còn dạy người và dạy nghề đang còn yếu, đặc biệt là dạy người". Vì vậy, ông Khanh kiến nghị, để nâng cao chất lượng giáo viên, trước hết phải chú ý đến chất lượng đào tạo sinh viên sư phạm. Khi sinh viên sư phạm ra trường về giảng dạy tại các trường phổ thông, cũng cần thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn. Theo chu kỳ 3 - 5 năm, giáo viên phải được quay lại hệ thống đào tạo để được bổ túc thêm. Đề xuất này là hoàn toàn hợp lý, bởi theo mục tiêu phát triển con người toàn diện theo yêu cầu của xã hội, tới đây, chương trình giáo dục phổ thông sẽ hướng vào tiếp cận nội dung, nghĩa là đề cao tính ứng dụng của bài học. Theo đó, người thầy vẫn là trọng tâm, ngoài dạy chữ trên lớp, thầy cần giúp trò tự giác, có niềm tin trong học tập. Như các chuyên gia giáo dục phân tích, niềm tin sẽ giúp các em trả lời câu hỏi "Học để làm gì?". Và khi các em biết "Học để phát huy những tiềm năng tôi có, học để cống hiến cho xã hội, học để thực hiện được ước mơ của mình" thì việc học trở lên tốt hơn rất nhiều. Và như thế, người giáo viên muốn dạy tốt phải làm chủ được những lý thuyết dạy học hiện đại; biết tổ chức các hoạt động để học sinh tương tác với nhau.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Người thầy giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, thế nhưng: "Nhà giáo hiện nay không có động lực để làm việc, không đủ lương để sống. Và quan trọng là không đủ năng lực nghiệp vụ để thực hiện phương pháp giáo dục hiện đại. Chúng ta chỉ lo biên soạn chương trình, đổi mới sách giáo khoa và nhiều thứ khác mà người thầy vẫn dạy theo kiểu "thầy đọc - trò chép" thì chẳng để làm gì" -  TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, bày tỏ. Và để tìm lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều chuyên gia đã đề xuất phải có sự thay đổi đồng bộ hệ thống chính sách đối với giáo viên. Cụ thể, để thu hút người tài vào học ngành sư phạm, bên cạnh việc miễn học phí, đồng lương của người giáo viên phải được thay đổi. Bởi nghề giáo trong thời đại nào cũng đòi hỏi phải hao tâm tổn lực, có nhiều sáng tạo để các bài giảng giàu xúc cảm, giàu trí tuệ. 

Song câu hỏi đặt ra là lấy tiền ở đâu, trong khi Nhà nước đã đầu tư cho giáo dục đến 20%? Nhiều chuyên gia cho rằng, xã hội hóa giáo dục cần được phát huy tối đa, nhưng làm sao để số tiền các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho giáo dục đến được đủ và đúng sức lao động của giáo viên? PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục vì mọi người Việt Nam đề nghị, hệ thống giáo dục phổ thông giảm xuống còn 11 năm và phân luồng sớm. Như vậy, sẽ tiết kiệm được 1/12 ngân sách giáo dục để đổi mới giáo viên. Và sẽ tiết kiệm được 1 năm học, với hơn 1 triệu học sinh, sẽ có hơn 300 triệu ngày công lao động nhân lên với 100.000 đồng/ngày/người, sẽ làm lợi cho xã hội số tiền khổng lồ. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, Nhà nước chi ra hơn 30.000 tỷ đồng để "cứu" bất động sản, thì cũng nên đầu tư số tiền tương tự để "cứu" chất lượng giáo dục nước nhà.