Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt đầu từ sản phẩm chủ lực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn là 2 tiêu chí quan trọng và cũng là tiêu chí mà nhiều địa phương "than"là khó nhất khi xây dựng nông thôn mới (NTM).

KTĐT - Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn là 2 tiêu chí quan trọng và cũng là tiêu chí mà nhiều địa phương "than"làkhó nhất khi xây dựng nông thôn mới (NTM). Để giải quyết vấn đề này, phải bắt đầu từ bài toán quy hoạch, sản xuất các sản phẩm chủ lực dựa trên thế mạnh của từng địa phương.

Còn nhiều lúng túng

Ban Chỉ đạo Quốc gia chương trình NTM vừa tổ chức sơ kết tình hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân tại 11 xã điểm NTM trên cả nước. Theo kết quả đánh giá, tính đến thời điểm này, mỗi xã điểm đều đã xây dựng được từ 3 - 4 mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, sản xuất ở các xã điểm vẫn còn manh mún. Nhiều xã vẫn chỉ có các mô hình nhỏ lẻ thuộc các nhóm hộ, chưa tạo được những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Thu nhập của người dân mặc dù có tăng, nhưng còn thấp. Nguyên nhân là do thời kỳ đầu triển khai, hầu hết các xã mới chỉ chú trọng đến phát triển hạ tầng mà coi nhẹ phát triển sản xuất, nhất là sản xuất hàng hóa. Hơn nữa, một số đơn vị còn chậm vào cuộc; nhiều cán bộ chưa bám sát cơ sở hoặc năng lực còn hạn chế dẫn đến lúng túng trong việc biến mô hình từ lý thuyết thành thực tế trên đồng ruộng.

Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương (Chương Mỹ) thừa nhận: "Với đặc thù xã nông nghiệp như Thụy Hương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ rất khó khăn. Hiện tại, tiến độ triển khai các chương trình so với đề án còn chậm".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia chương trình NTM nhận định, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở các xã điểm hiện vẫn còn hạn chế. Trước hết, công tác quy hoạch được ưu tiên số một trong xây dựng NTM, nhưng hiện mới chỉ có 8/11 xã điểm hoàn thiện quy hoạch chi tiết về nông nghiệp. Một tồn tại nữa là cho đến bây giờ, các địa phương còn lúng túng trong việc xác định cái gì dân làm, cái gì Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ, cái gì đoàn thể quần chúng cùng chung tay?

Tìm "mấu chốt" để tháo gỡ

Theo lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2011, tất cả 11 xã điểm phải hoàn thành tiêu chí về phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân trong Bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM. Để làm được điều đó, theo ông Tăng Minh Lộc, các xã phải chủ động căn cứ vào lợi thế của địa phương để xác định rõ sản phẩm hàng hóa chủ lực về trồng trọt (1 - 2 loại cây), chăn nuôi, thủy sản (1 - 2 loại con). Quy hoạch sản xuất cần gắn với dồn điền đổi thửa, thủy lợi, môi trường, chế biến… Đồng thời, tập trung đào tạo kỹ thuật sản xuất, kiến thức thị trường cho người lao động theo các loại cây, con đã chọn. Phấn đấu trong năm 2011 mỗi xã sẽ có một sản phẩm hàng hóa chủ lực, có thương hiệu làm hạt nhân để mở rộng sản xuất cho khu vực.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh: Mấu chốt để nâng cao thu nhập cho người nông dân là phải tìm cho ra được lợi thế của từng xã để có hướng đi thích hợp. Ví dụ như ở Hải Đường (Nam Định), mô hình rất thành công là VAC gắn với ngành nghề nông thôn, không chỉ giải quyết việc làm nhàn rỗi mà còn thu hút được một lực lượng lao động khá lớn. Haynhư xã Thụy Hương (Chương Mỹ) thì lại tập trung vào phát triển rau an toàn, hoa phục vụ cho đô thị. Đây là hướng hoàn toàn đúng. Phải tìm được "mấu chốt" ấy mới giải được bài toán thu nhập. Phải tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, theo hướng thị trường yêu cầu thì sẽ thành công. Cùng với đó, đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho người nông dân gắn với doanh nghiệp, giúp nông dân có việc làm, nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Một vấn đề nữa là hiện nay, nguồn vốn mà các xã dành cho đầu tư sản xuất còn thấp, mới chỉ chiếm 12% tổng vốn sử dụng. Do vậy, Ban Chỉ đạo Quốc gia chương trình NTM yêu cầu mỗi xã phải dành ít nhất 20% số vốn Trung ương hỗ trợ thúc đẩy cho phát triển sản xuất.