Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt đầu từ văn hóa ứng xử

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Xóa bỏ và ngăn chặn tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, là vấn đề được nhắc đến rất nhiều trong dịp kỷ niệm 103 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) năm nay với những quyết tâm mạnh mẽ từ các cấp, các tổ chức. Nhưng trước hết, phải được khơi thông từ trong chính các gia đình.

 Những con số buồn

Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên Hợp quốc tại Việt Nam, bạo lực đối với phụ nữ gây những tổn thất to lớn về mặt kinh tế và tinh thần. Mỗi năm, có hàng tỷ đô la được chi cho các chi phí y tế và sự giảm sút hiệu suất làm việc được xem như là hậu quả của bạo lực. Ở Việt Nam, bạo lực gia đình dẫn đến giảm năng suất lao động, ước tính tới 1,78% của GDP trong năm 2010... Vì vậy, chúng ta cần luật và chính sách hỗ trợ cho việc thực hiện tất cả các quyền của phụ nữ.

Bắt đầu từ văn hóa ứng xử - Ảnh 1

Một nghiên cứu cấp quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành với 4.838 phụ nữ độ tuổi từ 18 - 60 trong cả nước cho thấy: Cứ 3 phụ nữ có gia đình thì có một người cho biết, họ đã từng bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục. Nếu xét đến cả 3 hình thức bạo lực: Thể xác, tình dục và tinh thần trong đời sống vợ chồng, có 58 % số phụ nữ cho biết, đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức.

Các cuộc điều tra, khảo sát cũng ghi nhận tình trạng đáng quan tâm là khi bị bạo hành, phần lớn phụ nữ không tìm đến sự giúp đỡ (87,1%), trừ các trường hợp nghiêm trọng. Phụ nữ cũng bị hạn chế trong việc nói ra chuyện bạo lực trong gia đình, bởi theo văn hóa, đó là một sự xấu hổ và bổn phận của họ là phải giữ cho gia đình hòa thuận.

Tuyên truyền thôi chưa đủ

Việc phòng chống bạo lực gia đình mới chỉ tập trung vào nữ giới, vì cho rằng họ là nạn nhân và cần được hỗ trợ, giúp đỡ… Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần phải nỗ lực hơn nữa để lôi cuốn sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào công tác phòng chống bạo lực gia đình. Nam giới mới là người "gỡ nút thắt", nếu chỉ phụ nữ nỗ lực thôi, sẽ khó giải quyết được tận gốc vấn đề.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai

Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Không phải đến bây giờ, việc ngăn chặn và xóa bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em gái mới được đề cập. Đã  có rất nhiều chương trình, đề án ra đời để đồng hành cùng phụ nữ ngăn chặn bạo lực gia đình. Nhưng hiệu quả vẫn dừng ở mức tuyên truyền, vận động, chưa thực sự đi sâu vào mỗi gia đình. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa có các chế tài đủ mạnh để giải quyết "tận gốc" vấn đề. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bạo lực đã được đề cập khá nhiều trong các công trình nhiên cứu, điều tra, khảo sát. Đó là nguyên nhân từ nhận thức về bình đẳng giới và tư tưởng "trọng nam hơn nữ"; do kinh tế gia đình khó khăn, không có việc làm; do trình độ học vấn thấp; do ghen tuông, ngoại tình; do áp lực phải sinh con trai... Thực tế cho thấy, bạo lực gia đình diễn ra cả trong gia đình mà cả chồng và vợ đều có trình độ học vấn cao.

Các chuyên gia cho rằng: Không chỉ là vấn đề nhận thức mà còn là vấn đề văn hóa trong ứng xử của mỗi thành viên gia đình. Làm tốt công tác tuyên truyền mặc dù giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử, nhưng việc xây dựng các thiết chế gia đình bền vững được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình. Vì vậy, việc hướng đến tạo dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc chính là những mục tiêu được ưu tiên hướng đến, trong đó vai trò của nam giới được đặc biệt quan tâm.