Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất động sản hậu "vượt" thách thức cách mạng 4.0

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định đáng chú ý được các chuyên gia đưa ra tại cuộc họp báo “Việt Nam - Trung tâm Công nghiệp mới của Đông Nam Á” được công ty tư vấn bất động sản JLL tổ chức chiều 19/7.

Báo cáo các thông số tích cực về thị trường bất động sản (BĐS) khu công nghiệp, bà Bùi Huyền Trang - Giám đốc thị trường Việt Nam của JLL cho biết, tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh, nguồn cung khu công nghiệp phía Nam cuối tháng 6/2018 tăng cao so với quý IV/17, với tổng diện tích đất cho thuê khoảng 37.030ha. Cùng diễn tiến tích cực, giá thuê đất tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc tăng 7 USD so với quý IV/2017, tiếp tục có dấu hiệu tăng mạnh với vị trí địa lý và triển vọng kinh tế thuận lợi.
Tiềm năng, nhưng theo đại diện JLL, BĐS công nghiệp vẫn còn lắm thách thức về mặt làm chủ công nghệ
Ở góc nhìn chiều sâu, các chuyên gia vẫn thẳng thắn chỉ ra thách thức lớn nhất của Việt Nam là việc làm sao thích nghi được những thay đổi do công nghệ và tự động hóa do Công nghiệp 4.0 mang lại. Thực tế, ngành BĐS công nghiệp tại 3 khu chính gồm Khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung và miền Nam chỉ đang rậm rịch ở mức 1.0. Sự cạnh tranh giữa các khu công nghiệp và các BĐS công nghiệp chưa tập trung, chưa có một quy hoạch phân vùng phát triển rõ ràng; Đa phần khách thuê đến từ các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân lực lao động, như dệt may và may mặc, thực phẩm, đồ gỗ và nội thất, các sản phẩm từ cao su, nhựa. Tỷ lệ các ngành công nghiệp có giá trị thặng dư chưa nhiều.
Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế thị trường trong nước đang phát triển lạc quan, đồng thời các quốc gia khác trong khu vực đang ngày càng phát triển hơn khiến cho chi phí hoạt động tại các quốc gia ngày càng tăng cao. Do đó, ngành công nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội để vươn lên trong cuộc đua phát triển thị trường BĐS công nghiệp.
Ông Stephen Wyatt - Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định: “Với tham vọng thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp mới tại Đông Nam Á và cũng tương tự như quá trình phát triển ở các nước khác trong khu vực, chúng tôi tin rằng thị trường công nghiệp Việt Nam sẽ sớm chuyển mình và phát triển lên một tầm cao mới, Việt Nam sẽ chuyển dịch từ một thị trường sử dụng nhiều lao động (labour-intensive) sang thị trường phát triển tập trung nhiều vốn (capital-intensive)".
Đồng quan điểm, ông Greg Ohan - Phó Tổng Giám đốc BW Industrial, nhà phát triển BĐS công nghiệp cho thuê lớn nhất Việt Nam chia sẻ, BW Industrial vừa mua đất cho 8 dự án tại 5 tỉnh, thành gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hải Dương và Bắc Ninh. Kể từ thời điểm có quyết định sử dụng đất, BW Industrial được sở hữu tối đa trong 45 năm.
“Từ đó, định hướng tới mục tiêu đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao về nhà kho hiện đại, nhà xưởng xây sẵn cho thuê, nhà xưởng xây theo yêu cầu cầu khách hàng và các sản phẩm liên quan đến bất động sản công nghiệp tại tất cả các khu vực kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm. Chúng tôi sẽ là một nhân tố chính trong ngành BĐS công nghiệp và dịch vụ hậu cần, sẽ định hướng phát triển và hỗ trợ các ngành khác như ngành sản xuất, dịch vụ hậu cần và chế biến vào trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, vị này nhấn mạnh.