Nói đến bất động sản nghỉ dưỡng ven biển không thể không kể đến Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu và Phú Quốc, nơi tập trung các dự án khủng như Vinpearl Premium, New Hoi An City, Premier Village Đà Nẵng, Grand World Phú Quốc… Ở những khu vực này, thị trường bùng nổ với hàng chục dự án quy mô hàng tỷ đôla và không chỉ có sự tham gia của những doanh nghiệp trong nước mà còn có nhiều chủ đầu tư nước ngoài.
Sau khi tái xuất vào đầu năm 2015, bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như Vingroup, Sungroup, Vina Capital... thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đến nay cũng chứng kiến sự tham gia của nhiều tên tuổi mới như CEO Group, Tập đoàn FLC, MIK Land, Đất Xanh...
Khác với giai đoạn trước, khi các dự án nghỉ dưỡng tập trung ở một số khu vực quen thuộc thì từ cuối năm ngoái, nhiều dự án cũng xuất hiện tại các địa danh mới, chưa thực sự vào giai đoạn bùng nổ du lịch như Quy Nhơn, Lăng Cô, Côn Đảo... Ngoài ra, còn phải kể đến các khu nghỉ dưỡng miền núi cũng đang dần nở rộ.
Gần đây nhất, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng – bất động sản khác là Eurowindow cũng tuyên bố đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng 2 khu bất động sản nghỉ dưỡng 5 sao trên diện tích hơn 35ha Cam Ranh (Khánh Hòa). Quần thể này cũng được quảng bá do tên tuổi lớn trong ngành lưu trú thế giới là Tập đoàn Movenpick quản lý.
Tương tự, với kế hoạch đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng vào dự án ở các địa phương chưa có khu nghỉ dưỡng lớn như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và gần đây là Quy Nhơn, lãnh đạo Tập đoàn FLC cũng xác định phải có chính sách thích hợp để cạnh tranh với các đối thủ lớn. Theo Tổng giám đốc Hương Trần Kiều Dung, bên cạnh những cam kết lợi nhuận nêu trên, doanh nghiệp còn tính tới những ưu đãi khác như thời gian sử dụng miễn phí, đặc biệt là các dịch vụ khép kín đi kèm trong khu nghỉ dưỡng như sân golf, các tiện ích, giải trí...
Trước đó trong giai đoạn thị trường gặp khủng hoảng từ 2011 đến 2014, cũng giống như những phân khúc khác, bất động sản nghỉ dưỡng hầu như không được mở bán vì không có thanh khoản. Thậm chí, nhiều dự án đang dừng triển khai cũng phải tạm dừng.
Tuy nhiên, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển của CBRE Việt Nam, năm 2016 sẽ là tâm điểm của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Thực tế, năm 2014 thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục và 2015 tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng thông thường sẽ đi sau thị trường truyền thống khoảng 6 tháng đến một năm.
Bà Dung nhận định, hiện tốc độ tăng trưởng khách du lịch tại các khu nghỉ dưỡng ven biển là rất khả quan với mức chi trả tăng cao, đặc biệt cho các dịch vụ 4 và 5 sao. Đó là lý do phân khúc nghỉ dưỡng sẽ có bước phát triển đột phá trong năm 2016.
Bà Nguyễn Ngọc Trâm, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường của JLL Việt Nam cho rằng việc nhiều doanh nghiệp lấn sân sang bất động sản nghỉ dưỡng cũng là xu thế tất yếu của thị trường trong bối cảnh giao dịch ở phân khúc này khả quan. Theo JLL, doanh số bán hàng tại các dự án nghỉ dưỡng rất tốt, đạt khoảng 70-80% số căn chào bán ra được đặt mua.
Đại diện JLL cũng cho rằng, một dự án có thiết kế độc đáo, đầy đủ các tiện ích và có dịch vụ quản lý chuyên nghiệp sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư. Ngoài ra còn có yếu tố giá cả và các chính sách hỗ trợ về vốn từ các ngân hàng, mức cam kết lợi nhuận...
Bà Trâm cũng đánh giá khả quan về tương lai của phân khúc này. "Chúng tôi đã, đang và tiếp tục thực hiện các chương trình quảng bá bán hàng cho các dự án bất động sản Việt Nam tại các thị trường tiềm năng trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Nhật Bản…và nhận được những phản hồi rất tích cực từ nhà đầu tư nước ngoài", bà Trâm nói.
Nếu như trước đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chỉ có một vài chủ đầu tư quen thuộc thì hiện nay đã có thêm nhiều tên tuổi mới. Ảnh minh họa: Du lịch
|