Bất động sản nhiều cơ hội sớm phục hồi hậu Covid-19

Bộ phận R&D DKRA Vietnam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị và sẵn sàng tâm lý cho những ngày hoạt động trở lại sau dịch bệnh Covid-19. Theo đó, bất động sản (BĐS) cũng có những động thái nhanh nhạy và rõ rệt. Dù phải đối diện nhiều thách thức, song thị trường vẫn có những điểm tựa và cơ hội tích cực để sớm phục hồi.

Các chủ đầu tư, đơn vị môi giới và nhà đầu tư cá nhân đều đã có những bước chuẩn bị để nắm bắt cơ hội của thị trường BĐS thời hậu Covid-19.
Đối diện nhiều thách thức
Theo dự báo của bộ phận R&D DKRA Vietnam, đến Quý II/2020 thị trường BĐS Nhà ở TP Hồ Chí Minh sẽ đón nhận thêm khoảng 2.000 - 2.500 căn hộ và khoảng 400 - 500 căn nhà phố/biệt thự. Lũy kế đến cuối năm 2020, nguồn cung căn hộ có thể lên đến 15.000 - 20.000 căn, bằng khoảng 60 - 70% nguồn cung của năm 2019. Với số lượng nguồn cung mới thấp hơn nhiều so với năm ngoái, thị trường khó có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở và đầu tư BĐS vốn luôn rất cao.
Bên cạnh đó, mức giá BĐS cũng khó đoán định trong khi thị trường nghi ngờ có hiện tượng giảm giá, cắt lỗ,... Thực tế, chưa có nhiều giao dịch để ghi nhận việc bán tháo BĐS đang diễn ra. Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam chia sẻ: Mức giá sơ cấp từ chủ đầu tư trong Quý I/2020 không có nhiều thay đổi so với quý trước. Tuy nhiên, sự hạn chế của nguồn cung trong giai đoạn thị trường bình ổn trở lại sẽ là áp lực gây biến động giá BĐS.
Thách thức tiếp theo của thị trường là sức mua sụt giảm trong bối cảnh mức tăng trưởng kinh tế cũng đang giảm. Các giao dịch sơ cấp và thứ cấp thực tế không nhiều, chủ yếu là giao dịch của những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn, không phụ thuộc vào dòng tiền trong ngắn hạn. Đồng thời, các yếu tố về kinh tế vĩ mô như giá vàng, tỷ giá hối đoái, lãi suất, tín dụng, lạm phát, tăng trưởng GDP,… cũng tác động vừa trực tiếp, vừa gián tiếp đến thị trường BĐS.
Điểm tựa thị trường 
Cùng với những thách thức, thị trường luôn tồn tại các yếu tố tích cực làm điểm tựa để phục hồi và sôi động trở lại. Trước hết là các dự báo về sức tăng trưởng mạnh của nền kinh tế trong năm 2021 theo nhận định của IMF và World Bank. Qua đó, nửa cuối năm 2020 sẽ là giai đoạn chuẩn bị và đón đầu.
Mặt khác, làn sóng dịch chuyển đầu tư vào nhà máy, công xưởng khi Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư thay thế hàng đầu. Từ đây, dòng FDI sẽ tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam, kéo theo sự hưởng lợi của BĐS công nghiệp, BĐS nhà ở, logistic, du lịch… Các chương trình đầu tư hạ tầng, chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kịp thời thúc đẩy phát triển các lĩnh vực BĐS, tài chính, tiêu dùng,…
Bên cạnh đó, những báo cáo gần đây cũng ghi nhận mức tăng trưởng của tầng lớp thu nhập trung bình (middle income) và người giàu mới ở Việt Nam đang thuộc top đầu Châu Á và thế giới. Thực tế, trong giai đoạn năm 2015 - 2019, khi thị trường phát triển, một bộ phận người có thu nhập tăng cao đã tích lũy sẵn lượng tiền nhàn rỗi. Do đó, thời điểm này họ không bị phụ thuộc vào biến động của thị trường mà có thể chủ động tiếp cận nhiều cơ hội lựa chọn BĐS. Dù nguồn cung chưa thật sự dồi dào, nhưng các chủ đầu tư, đơn vị môi giới và nhà đầu tư cá nhân đều đã có những bước chuẩn bị kế hoạch phát triển để nhanh chóng thích ứng với biến động. Đặc biệt, những chủ đầu tư sẽ tích cực đưa ra nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn khách mua.
Cùng với các dấu hiệu tích cực của thị trường chứng khoán, BĐS cũng cho thấy nhiều tín hiệu khả quan bởi sự tác động lẫn nhau giữa 2 thị trường này. Ngoài ra, kinh tế 4.0 cũng được thể hiện rõ rệt trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua với sự đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động kinh tế và đời sống.