Thị trường giảm sút
Thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, từ đầu năm 2019 đến nay thị trường BĐS chứng kiến sự giảm sút cả về nguồn cung và số lượng giao dịch thành công. Cụ thể, trong 2 quý đầu năm tổng nguồn cung cả nước đạt 50.825 sản phẩm, với khoảng 32.233 giao dịch thành công.
Trong khi đó, chỉ tính riêng trong năm 2018, tỷ lệ giao dịch thành công của 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đạt trên 80 nghìn giao dịch, cao gấp hơn 2,5 lần so với lượng giao dịch của cả nước từ đầu năm 2019 đến nay.
Tại Hà Nội, lượng cung BĐS đạt 12.976 sản phẩm, bằng 76,05% so với cùng kỳ năm trước. Lượng giao dịch bằng 68,9% so với cùng kỳ; Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh tỷ lệ giảm sút ở mức cao hơn, lượng cung đạt 10.715 sản phẩm, bằng 39,1% so với cùng kỳ năm trước. Lượng giao dịch thành công bằng 46.8% so với cùng kỳ.
Theo ông Trần Quốc Việt – Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam), mặc dù tại 2 thị trường lớn chứng kiến sự giảm sút về nguồn cung và số lượng giao dịch, nhưng tỷ lệ hấp thụ ở mức tương đối cao, tại Hà Nội ở mức 84% và TP Hồ Chí Minh ở mức 80%.
“Thực tế nhu cầu của người dân vẫn còn rất lớn, nhưng các doanh nghiệp đang có dấu hiệu chậm lại do lo ngại về những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý. Nhưng do nhu cầu còn lớn nên thị trường vẫn còn đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư” – ông Việt nói.
Bên cạnh vấn đề về thủ tục pháp lý, chính sách siết chặt tài chính đang có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, thiếu tiềm lực tài chính.
Chưa có tín hiệu khả quan
Trái ngược với hình ảnh “ảm đạm” của các giao dịch trên thị trường đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực BĐS. Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước đã thu hút được thêm trên 2,7 tỷ USD vào BĐS.
Trong giai đoạn 5 năm từ 2014 – 2018, thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ, như từ cuối năm 2018 tốc độ tăng trưởng tín dụng vào BĐS bắt đầu giảm, nguồn vốn trung và dài hạn bị cắt giảm từ 60% xuống 40%, lộ trình này sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới; trong khi đó tỷ lệ an toàn trong vay vốn đầu tư BĐS tăng từ 150% lên tới 250%.
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS đã giảm từ năm 2017. Cụ thể, năm 2016, tín dụng chung tăng 12% thì BĐS tăng gấp rưỡi 18%; nhưng sang tới năm 2017, con số này ngược lại, tín dụng chung tăng 18% nhưng BĐS chỉ được 12%. Năm 2018, tín dụng chung 12%, BĐS còn có 5% và tới quý IV/2018 thậm chí tín dụng BĐS còn giảm 0,8%. Con số thống kê cũng đã dự báo trước cho sự “chững” lại của thị trường vào năm 2019.
“Việc siết chặt những chính sách cho vay và tăng tỷ lệ an toàn trong vay vốn đầu tư BĐS là do Chính phủ lo ngại “bong bóng” BĐS xuất hiện” – ông Trần Quốc Việt cho hay.
Ngoài những khó khăn về siết chặt tài chính, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn về thông tin BĐS, do các thông tin quy hoạch chưa thực sự rõ ràng, minh bạch. Trong khi đó, trước những tác động của môi trường đầu tư trong giai đoann cách mạng công nghệ 4.0 thì rất dễ xảy ra tình trạng có những thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến cả nhà đầu tư và người dân.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐS những tháng cuối năm 2019 vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, nguồn cung ra thị trường sẽ tiếp tục bị hạn chế, do nhiều dự án đang triển khai vướng phải những thủ tục pháp lý. Do đó, cả người dân và giới đầu cơ cũng thận trong hơn đối với các giao dịch tại các dự án.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, trong tình hình khó khăn về đầu tư tại các thị trường lớn, các doanh nghiệp BĐS đang có xu hướng “đổ bộ” về các tỉnh thành có tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bình Định, Phú Yên…
“Tuy nhiên, lòng tin của người dân vào thị trường BĐS đang bị giảm sút, thị trường sẽ càng khó khăn, suy giảm, do đó doanh nghiệp cần phải cẩn trọng” – ông Nam nói.