Nhận định này được đưa ra tại báo cáo “Cộng đồng Kinh tế ASEAN - Động lực phát triển cho thị trường bất động sản khu vực Đông Nam Á” mới được hãng nghiên cứu CBRE công bố. Mặc dù lĩnh vực bất động sản của các nước thành viên, đặc biệt là Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế để phát triển mạnh tuy nhiên cũng có nhiều thách thức, khó khăn phải đối mặt.
Theo số liệu của CBRE, từ 2005-2014, tổng dòng vốn đầu tư vào bất động sản trong khu vực ASEAN là hơn 28 tỷ USD. Trong vòng 5 năm gần đây, từ năm 2010-2014, Trung Quốc là quốc gia đầu tư hàng đầu vào thị trường này với hơn 4,4 tỷ USD, chiếm 29% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Singapore với hơn 4,2 tỷ USD chiếm 28%. Khả năng lớn là sau khi AEC được thành lập, dòng vốn này sẽ tiếp tục tăng mạnh, CBRE nhận định.
Phía CBRE dự đoán, nguồn cung - cầu không gian công nghiệp và văn phòng tại hầu hết các thị trường trong khối ASEAN sẽ tăng lên trong thời gian ngắn. Điều này phù hợp với xu hướng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty đa quốc gia đang được thành lập trong khu vực này ngày càng gia tăng. Đặc biệt, kho vận sẽ tăng trưởng và phát triển mạnh, đây là thị trường dự kiến sẽ tạo được điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên của AEC.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của thị trường công nghiệp cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng nguồn cung văn phòng khi có nhiều công ty đa quốc gia tham gia vào thị trường và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng mở rộng. Đặc biệt, ngành dịch vụ tài chính và pháp lý tại các thị trường mới nổi có thể đẩy mạnh trên cơ sở thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng và đề xuất tự do hóa thị trường vốn của khu vực.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài cũng đang xúc tiến để gia nhập vào thị trường ASEAN, xây dựng trên nền tảng họ đã tạo lập trong những năm qua. Du lịch hiện là điểm sáng cho các nước thành viên khi kế hoạch của AEC tập trung vào việc củng cố cơ sở hạ tầng cho giao thông đường bộ và đường hàng không và tăng cường hợp tác khu vực để thu hút nhiều du khách đến khu vực.
Mặc dù vậy vẫn có rất nhiều trở ngại cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản tại các nước trong khu vực. Theo CBRE, đó là khả năng của việc quản lý yếu kém nguồn cung nở rộ có thể dẫn đến biến động giá thuê mặt bằng bán lẻ. Việc thiếu nguồn lao động có tay nghề cũng là thách thức cho phân khúc văn phòng và công nghiệp trong ngắn và trung hạn, có thể gây trở ngại cho việc mở rộng của các nhà sản xuất công nghiệp có giá trị cao.
Ngoài ra, việc thiếu các chính sách hỗ trợ đầu tư bất động sản để thúc đẩy tự do hóa chính sách đầu tư và lưu chuyển vốn tự do cũng sẽ là trở ngại. Các nhà đầu tư bất động sản thường bị hạn chế về quyền sở hữu đất cho người nước ngoài và thời hạn cho thuê ngắn. Một môi trường đầu tư chuyên nghiệp phải thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hoàn thiện tiến trình phát triển chung của khối ASEAN.
Đại diện của CBRE cho rằng, AEC đóng vai trò quan trọng trong việc tự do hóa thị trường đầu tư tại khu vực này, tạo tiền đề cho vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường của các nước thành viên. Sự phát triển đa dạng của thị trường bất động sản trong khu vực ASEAN thiết lập phạm vi rộng lớn hơn cho chiến lược của các nhà đầu tư.
"Những thị trường phát triển như Singapore và Malaysia có thể cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều cơ hội mới. Đặc biệt, những cơ hội đầu tư nhất thời có thể nắm bắt được tại các thị trường mới nổi như Việt Nam và Philippines. Vì vậy, vốn đầu tư vào thị trường bất động sản khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khi các nhà đầu tư đang tìm kiếm thị trường mới cho danh mục đầu tư bất động sản”, đại diện CBRE nhấn mạnh.
Ảnh minh họa
|