Trong báo cáo công bố hôm 1/4 về các rào cản thương mại đối với nền kinh tế Mỹ, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, chính sách độc quyền sử dụng các thuật ngữ truyền thống về rượu trên nhãn chai của EU đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất rượu Mỹ khi tìm kiếm và sử dụng những thuật ngữ phổ biến, có giá trị thương mại khác để miêu tả các sản phẩm bày bán tại thị trường châu Âu của mình. Theo cơ quan trên, EU chỉ xem xét quyền sử dụng các thuật ngữ độc quyền của nhà sản xuất rượu thuộc nước thứ ba với điều kiện Chính phủ nước đó chấp nhận thỏa thuận về các quy định sử dụng cụ thể của EU. Chính sách này của EU không trực tiếp chặn đứng giao dịch giữa hai bên nhưng phần nào làm nản tham vọng thâm nhập thị trường châu Âu của các nhà xuất khẩu rượu Mỹ.
Trước tuyên bố của EU cho rằng, chính sách độc quyền là nhằm ngăn chặn việc lạm dụng thuật ngữ khiến người tiêu dùng hoang mang, USTR khẳng định mặt hàng rượu của Mỹ chưa từng gặp vấn đề về nhãn mác khi lưu hành tại thị trường châu Âu. USTR cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà xuất khẩu rượu trong nước để tìm giải pháp cho vấn đề này tại các cuộc đàm phán với giới chức EU cũng như tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những nước ngoài khối được EU cho phép sử dụng các thuật ngữ rượu độc quyền hiện gồm Chile, Nam Phi, Canada và Australia mà không có Mỹ.
Quy định của EU về truy cứu nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm biến đổi gene đã gây thiệt hại lớn cho nông dân Mỹ.
Ngoài ra, USTR cũng chỉ trích những quy định thương mại "không cần thiết và không thực tế" của EU đối với mặt hàng thực phẩm biến đổi gene của Mỹ, thông qua việc áp dụng những quy định về truy cứu nguồn gốc xuất xứ và ghi nhãn mác. Quyền Đại diện Thương mại Mỹ Demetrios Marantis khẳng định, những rào cản khắt khe này không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân Mỹ mà cả người tiêu dùng toàn thế giới, ngăn họ hưởng lợi từ các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe. Mặc dù được phép sử dụng rộng rãi tại Mỹ, song thực phẩm biến đổi gene bị kiểm soát vô cùng chặt chẽ tại thị trường EU. Cho đến nay, chỉ có hai loại nông sản biến đổi gene được chấp nhận tại thị trường khó tính này. Trong khi có tới 8 thành viên EU, gồm cả Đức và Pháp, đã tiến hành các biện pháp ngăn chặn không cho mặt hàng này vào thị trường nội địa. Tháng trước, một quan chức người Pháp giấu tên cho biết, nước này không muốn thỏa thuận thương mại sắp tới giữa EU và Mỹ sẽ bao gồm cả mặt hàng thực phẩm biến đổi gene.
Không đơn giản chỉ là những quy định về thực phẩm, có ảnh hưởng lớn tới chính sách thương mại mà tranh cãi liên quan đến rượu hay thực phẩm biến đổi gene của Mỹ - EU còn là vấn đề chính trị, ngoại giao. Châu Âu là thị trường tiêu thụ chủ yếu các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao của Mỹ, tuy nhiên, khi EU hạn chế nhập khẩu rượu và thực phẩm biến đổi gen, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thất thu hàng tỷ USD, góp phần gây khó khăn không nhỏ cho sự phục hồi tăng trưởng.