"Bắt mạch" đối đầu Mỹ - Trung tại Biển Đông

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia hầu hết đồng ý, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông rõ ràng đang gia tăng, nhưng khả năng dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự vẫn còn khá xa vời.

Đội tàu sân bay của Mỹ tập trận tại Biển Đông từ hôm 4/7. 
2 tàu sân bay Mỹ - USS Nimitz và USS Ronald Reagan - tiến vào Biển Đông khi Trung Quốc vừa hoàn tất đợt tập trận trái phép ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, Mỹ tiến hành tập trận tàu sân bay kép tại khu vực, thể hiện nỗ lực mà Hải quân nước này tuyên bố là nhằm "khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ về việc ủng hộ quyền của tất cả các quốc gia được bay, đi tàu và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép".
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Bắc Kinh bị cáo buộc tranh thủ tình hình dịch bệnh Covid-19 để gia tăng hoạt động quân sự trên Biển Đông, quấy rối hoạt động hợp pháp của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Theo ông Hu Bo - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chiến lược hàng hải tại Viện Nghiên cứu Đại dương, ĐH Bắc Kinh, cả Mỹ và Trung Quốc đều có lý do để duy trì và mở rộng sự hiện diện quân sự trên Biển Đông.
Trung Quốc là quốc gia duyên hải lớn nhất ở Biển Đông và có các lợi ích quan trọng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, vùng biển thuộc quyền tài phán và các tuyến giao thông đường biển. Trong khi Mỹ cũng tính toán đến ưu thế và tự do hàng hải trên Biển Đông, cùng các cam kết an ninh đối với các đồng minh trong khu vực.
Bên cạnh đó, đại dịch gần đây đã làm cho cả 2 quốc gia và quân đội dường như trở nên nhạy cảm hơn, khiến tình hình trở nên căng thẳng. Ngoài việc duy trì hoạt động hàng ngày ở phía Tây Thái Bình Dương, cả hai bên đều có một số lo lắng mới.
"Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tận dụng khoảng trống quyền lực tạm thời nên nước này đã thể hiện thêm nhiều lực lượng và tạo cho Bắc Kinh nhiều áp lực ngoại giao hơn. Trong khi Bắc Kinh cũng tin rằng hành động của Mỹ được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh quyền lực, đặc biệt tập trung vào các hoạt động của Trung Quốc trong khi bỏ qua những hành động của các bên yêu sách khác", ông Hu Bo viết trên The Diplomat.
F-18 bay qua USS Ronald Reagan trong cuộc tập trận trên Biển Đông. 
Tuy nhiên, trong lúc tình hình Biển Đông nóng lên vì các hoạt động dồn dập của Mỹ - Trung, giới quan sát cho rằng 2 bên sẽ vẫn kiềm chế để không tiến đến mức xung đột. "Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang cố gắng khôi phục kinh tế sau khi trải qua đại dịch. Dù luật an ninh quốc gia mới có thể khiến một bộ phận ở Bắc Kinh hy vọng rằng họ đã giải quyết được một vấn đề gai góc trong nước, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng trong thời gian sắp tới", SCMP dẫn lời Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang cho biết.
Ông Hu Bo thì lưu ý, quân đội Trung Quốc mạnh về mặt vật chất, nhưng vẫn chỉ là "lính mới" về mặt tinh thần, đang trong quá trình học cách tương tác với các đối tác Mỹ như một cường quốc quân sự lâu năm. Do đó cả 2 buộc phải chấp nhận chung sống, trong khi tương lai của Biển Đông sẽ là một khu vực lưỡng cực, bất kể họ có ý định gì.
"Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều không muốn phải chọn đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc. Do đó, rất khó để một trong hai bên có thể thiết lập một trật tự thống trị ở khu vực này", ông Hu Bo viết.
Giới chuyên gia hầu hết đồng ý, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông rõ ràng đang gia tăng, nhưng khả năng dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự vẫn còn khá xa vời. Tuy nhiên ông Koh cảnh báo: "Dù ít khả năng xảy ra đụng độ có chủ ý, nhưng với việc hai lực lượng đối lập hoạt động ngay gần nhau trên Biển Đông như vậy, không ai có thể loại trừ khả năng xảy ra va chạm không chủ ý".