Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất ngờ với vai trò của đồng USD trong giao dịch thương mại Nga-Trung

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, Moscow và Bắc Kinh không còn sử dụng đồng USD trong thương mại song phương.

Đài RT đưa tin, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin vừa xác nhận, nước này và Trung Quốc đã chuyển sang thanh toán hoàn toàn bằng đồng nội tệ của hai nước trong các giao dịch thương mại.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin  và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường  hội đàm tại Bắc Kinh hôm 19/12. Ảnh: Tass
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin  và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường  hội đàm tại Bắc Kinh hôm 19/12. Ảnh: Tass

Theo Thủ tướng Mishustin, các đồng tiền phương Tây gần như đã bị loại bỏ hoàn toàn trong thương mại Nga-Trung, vì phần lớn các hợp đồng mua bán hàng hóa đều được thanh toán bằng đồng ruble và nhân dân tệ.

“Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng tỷ trọng tiền tệ quốc gia trong các giao dịch thương mại song phương. Nếu vào năm 2020, tỷ lệ này chỉ ở mức 20% thì năm nay, hai nước đã loại bỏ hoàn toàn đồng USD trong hợp đồng giao dịch thương mại” - Thủ tướng Mishustin thông báo trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Bắc Kinh hôm 19/12.

Ông Mishustin cũng đề cập đến việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương, đồng thời nhắc lại rằng diễn đàn kinh doanh chung tổ chức tại Thượng Hải vào tháng 5/2023 đã thu hút hơn 1.500 doanh nhân từ cả hai nước.

Người đứng đầu chính phủ Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tạo điều kiện tốt cho hoạt động của các công ty tại thị trường Nga và Trung Quốc. Hai bên có một chương trình nghị sự chung sâu rộng".

Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường lưu ý rằng hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh tiếp tục được tăng cường và ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh "bất ổn toàn cầu".

Thủ tướng Mishustin đang có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 19-20/12 để dự cuộc họp thường kỳ lần thứ 28 giữa người đứng đầu chính phủ hai nước.

Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/12, Thủ tướng Mishustin cho biết, hợp tác kinh tế và thương mại Trung-Nga ghi nhận kết quả tích cực trong năm nay dù đối mặt nhiều thách thức vào năm 2023.

Theo Thủ tướng Nga, kim ngạch thương mại giữa hai nước tính đến ngày 20/12 đã đạt khoảng 18 nghìn tỷ ruble (199,5 tỷ USD), tương đương 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Trong khi đó, Tass đưa tin, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo, Nga và Trung Quốc đã đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD sớm hơn dự kiến.

Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại giữa Moscow và Bắc Kinh dự kiến đạt 218,28 tỷ USD trong năm 2023.

Trong 11 tháng đầu năm nay, Nga đã xuất khẩu 97,5 triệu tấn dầu sang Trung Quốc, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2022, theo tính toán của  Tass dựa trên số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 20/12.

Nga hiện vẫn là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc, tiếp theo là Ả Rập Saudi (80 triệu tấn) và Iraq (54,1 triệu tấn).

Trước đó, phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Tài chính Nga-Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày hôm 18/12, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov kêu gọi BRICS hạn chế sử dụng đồng bạc xanh trong giao dịch thương mại giữa các nước thành viên.

Bộ trưởng Siluanov cho rằng sự phát triển bền vững các mối quan hệ tài chính và giải quyết trong tổ chức BRICS là rất quan trọng đối với tất cả các quốc gia thành viên.

Tại diễn đàn này, Bộ trưởng Siluanov đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Lan Foan.

BRICS - nhóm các nền kinh tế mới nổi, hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã thảo luận giải pháp để tạo điều kiện thanh toán bằng nội tệ giữa các quốc gia thành viên. Khối này đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và euro để tăng tốc tăng trưởng.

Nga kêu gọi nhóm BRICS hạn chế sử dụng đồng USD trong giao dịch thương mại giữa các nước thành viên. Ảnh: RT
Nga kêu gọi nhóm BRICS hạn chế sử dụng đồng USD trong giao dịch thương mại giữa các nước thành viên. Ảnh: RT

Nga và các đối tác thương mại tại các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả các thành viên BRICS, đã đẩy mạnh sử dụng các loại tiền tệ thay thế đồng USD trong thương mại song phương, sau khi các lệnh trừng phạt trên thực tế đã cắt đứt Moscow khỏi hệ thống tài chính phương Tây. Hiện ngày càng nhiều nước chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại.