Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bát nháo chợ đêm vỉa hè

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trời vừa chạng vạng, con phố nhỏ Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tấp nập người mua bán.

KTĐT - Trời vừa chạng vạng, con phố nhỏ Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tấp nập người mua bán. Thời gian gần đây, bên dòng sông Kim Ngưu còn nồng mùi ô nhiễm này đã mọc lên một khu chợ tự phát, hoạt động từ xẩm tối đến khuya mỗi ngày, ồn ã kẻ bán người mua. Chợ bày bán đủ loại hàng hóa, thượng vàng hạ cám, ngay trên vỉa hè, và dĩ nhiên, không có ban quản lý chợ.

Cứ xẩm tối, chị M. (người Thanh Hóa, đang thuê trọ tại ngõ Võ Thị Sáu) lại vội vã giục chồng rời quán nước trà và mấy quyển thơ đề để chở chiếc xe máy chất cao các bao tải ra phố Tam Trinh. Trong các bao tải ấy là hàng trăm bộ quần áo "thời trang" còn mới nguyên, cùng cả loạt mũ vải, thú nhồi bông…

Chọn được chỗ ngồi, chị M. khẩn trương bày la liệt hàng hóa của mình ra các tấm bạt trải trên mặt đất, hoặc treo mắc lên các cây xanh xung quanh. Anh chồng thì phụ treo móc áo vào các tấm tôn lớn của các công trình xây dựng dang dở bên cạnh.

"Chợ mới lập, nên chưa có chuyện quen chỗ. Phải đến sớm hơn người khác thì mới giành được chỗ ngồi rộng rãi và gần bóng đèn cao áp, thuận lợi cho người mua hàng"- chị M vui vẻ cho biết.

Vẫn theo chị M., hàng hóa cần phải bày la liệt thì mới dễ bắt mắt người qua đường, chứ con cón trong các túi thì ai biết mà mua. Bày biện nhiều, nhưng phải thật gọn, để khi nhác thấy "xe phường" (đội tự quản hay Công an phường) đến thì có thể cuộn nhanh các tấm bạt lớn, vác chạy vào ngõ. "Bí quyết" này chị có được từ khi còn chạy chợ hàng "siđa" (quần áo cũ) ở phố Đào Duy Anh, hay khi bán tạp hóa rẻ tiền trên phố Chùa Bộc, trước khi bị các lực lượng chức năng giải tán.

Tại khu vực hè phố Tam Trinh, hiện có hàng trăm người bán hàng với các "gian hàng" như của chị M. Hàng hóa thì mỗi người một kiểu, dây lưng, ví da, quần áo, kẹp tóc, giày dép, mũ bảo hiểm…, cũ có, mới có. Người nhiều thì chừng mươi mét vỉa hè, người ít thì chỉ một manh áo mưa trải rộng là bày hết hàng. Nhưng hầu hết các hàng hóa của chợ đêm tự phát này đều có chung một đặc điểm là giá rất rẻ so với các hàng hóa cùng loại trong các cửa hàng hay khu chợ chính thức.

Khi chúng tôi đến xem chợ, đã tầm 20h. Con phố bụi mù này ồn ã tiếng còi xe, tiếng người cười nói. Hàng hóa bày kín lối đi của người đi bộ, tràn cả xuống mặt đường. Nhiều khách qua đường dừng xe, chọn đồ, mặc cả, khiến giao thông chốc chốc lại bị ùn tắc. Trong bóng đèn cao áp mờ mờ, hàng trăm người đang hối hả bán mua.

Một cậu sinh viên trường Đại học Kinh tế cất công đạp xe mấy cây số đến chợ để mua đôi giày, tần ngần bảo: "Giá chỉ 90.000 đồng, rất hợp với túi tiền của em. Nhưng không rõ liệu có dùng được một tháng không, vì em thấy bảo tiền nào của nấy. Mà cứ thấy vừa chân thì em chọn thôi, chẳng biết nó là hàng có xuất xứ từ đâu, chất lượng ra sao nữa".

Bên cạnh đó, mấy cô sinh viên đang chê ỏng chê eo những chiếc mũ bảo hiểm giá rẻ của một thanh niên bán hàng. Anh này kêu: "Nhẹ tay, rơi vỡ hết mũ bảo hiểm bây giờ".

Bên cạnh những hàng hóa mới, được cho là kém chất lượng, lại có những món hàng khá chất lượng nhưng cũ và giá rẻ. Đó hầu hết là loại giày dép, quần áo, kính, dây lưng… đã qua sử dụng, mà những người quen mua hàng giá rẻ khuyến cáo: Đừng bao giờ hỏi nguồn gốc của chúng, vì hầu hết chúng đều đến đây theo con đường bất minh.

Không ai nói thật rằng đó là hàng thu gom từ các mối "chôm chỉa" (trộm cắp), hay rút ruột từ các thùng hàng từ thiện, hàng phát mãi của các cửa hiệu cầm đồ… Bởi nếu không, những món hàng đó đôi khi có giá trị cả triệu đồng, lại chỉ được bày bán với giá khá khiêm tốn, chỉ trên dưới 100.000 đồng, và bán nhộm nhoạm trong khu chợ đêm tự phát.

Một người đàn ông sống ở khu phố Tam Trinh chép miệng: "Từ lúc khu chợ này mọc lên, sinh hoạt của khu phố cũng bị thay đổi ít nhiều. Người già như chúng tôi cũng ngại đi dạo hay tập thể dục, vì vỉa hè bị lấn chiếm hết, xe cộ dưới lòng đường rồi người chen lấn đông đúc, không an toàn. Còn đối với những người mua hàng này phần lớn là học sinh, sinh viên, người lao động phổ thông, cũng có cái thuận là được mua giá rẻ, vừa túi tiền, dù chưa biết chất lượng nó như thế nào".

Hiện nay, tại những tuyến phố như Đê La Thành, Giải Phóng, Láng, Cầu Giấy… vẫn xuất hiện nhiều các khu chợ đêm tương tự, hoàn toàn là do tự phát. Sự tồn tại tự phát của khu chợ đêm đã ảnh hưởng nhiều đến mỹ quan đô thị, vấn đề mà chính quyền và nhân dân Hà Nội đang rất quan tâm. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ, những khu chợ như thế này sẽ góp phần "khuyến khích" cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí hàng ăn cắp trà trộn ngày càng nhiều.

Hầu hết những người bán hàng tại khu chợ tự phát này đều biết là họ đang hoạt động bất hợp pháp. Bằng chứng là khi tôi giơ máy ảnh lên ghi hình, họ đều kêu oai oái, la hét hoặc che mặt không cho chụp. Chỉ có điều, đứng khá lâu tại khu chợ, không thấy bóng dáng lực lượng chức năng ở đâu…