Chứng khoán Mỹ rơi đỉnh
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch ngày 11/1, khi nhà đầu tư đánh giá giá trị cổ phiếu, triển vọng của gói kích thích kinh tế, cùng với tình trạng bất ổn chính trị đang diễn ra.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones sụt 89,28 điểm (tương đương 0,3%) xuống 31.008,69 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,7% xuống 3.799,61 điểm và chỉ số Nasdaq Composite hạ 1,3%, xuống còn 13.036,43 điểm. Trong phiên giao dịch, có thời điểm chỉ số Dow Jones giảm mạnh tới 265 điểm.
Chứng khoán Mỹ vừa ghi nhận tuần khởi động năm 2021 khởi sắc khi giới đầu tư gạt bỏ lo ngại về vụ bạo lực tại trụ sở Quốc hội hội, đặt kỳ vọng vào việc sớm có thêm các gói kích thích tài khóa.
Chỉ số S&P 500 tăng 4 phiên liên tiếp, đạt mức leo dốc 1,8% tuần trước. Dow và Nasdaq Composite cũng tăng lần lượt 1,6% và 2,4%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn chính trị và đại dịch Covid-19, đà tăng này khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nhà đầu tư đã quá hưng phấn.
Cổ phiếu Tesla chốt phiên giao dịch ngày 11/1 giảm 7,8%. Bitcoin cũng giảm về dưới 33.000 USD, sau khi lên trên 40.000 USD cuối tuần trước.
Bất ổn chính trị tại Washington leo thang trong ngày 11/1 sau khi đảng Dân chủ tại Hạ viện giới thiệu nghị quyết kêu gọi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kích hoạt Tu chính án 25 để bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump. Nghị quyết trên đề cập vai trò của Tổng thống Trump trong vụ bạo loạn tại Điện Capitol hồi tuần trước, cáo buộc những phát biểu của Trump đã "kích động bạo loạn" và "khuyến khích" những hành động phạm pháp.
"Các tuyên bố từ Hạ viện cho thấy các thành viên đảng Dân chủ muốn gửi thông điệp là Tổng thống là người nguy hiểm. Thị trường đối mặt một tuần đầy rủi ro và nhà đầu tư không thích điều này", Jim Cramer của CNBC cho biết.
Cuối tuần qua, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết cơ quan này sẽ thúc đẩy việc luận tội ông Trump nếu Phó Tổng thống Mike Pence và nội các chính quyền hiện tại không ủng hộ việc loại bỏ Tổng thống thông qua Tu chính án thứ 25.
Tuy nhiên, nhà đầu tư hiện không quá để ý các vấn đề này, vì dù sao Quốc hội cũng đã xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden và đảng Dân chủ, hiện chiếm đa số tại Thượng viện, có khả năng theo đuổi một gói kích thích kinh tế lớn khác. Nếu những việc này làm trì hoãn hay trật bánh kế hoạch kích thích, giới đầu tư mới dồn sự chú ý vào đây.
Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 8/1 đã cam kết một đợt triển khai kích thích kinh tế khổng lồ, mà theo ông sẽ là “hàng ngàn tỷ USD”. Nhiều thông tin chi tiết sẽ được đưa ra trong thông báo chính thức vào ngày 14/1.
Gói kích thích kinh tế mới càng trở nên cần thiết hơn sau khi Bộ Lao động tuần trước công bố số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ mất đi 140.000 việc làm trong tháng 12 do các biện pháp hạn chế ngăn dịch Covid-19.
Cổ phiếu châu Á giao dịch ảm đạm
Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm trong phiên ngày 12/1 trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu vẫn tăng cao và bất ổn chính trị tại Washington.
Giới đầu tư lo ngại các biện pháp kích thích có thể bị trì hoãn khi đảng Dân chủ Hạ viện đưa ra nghị quyết luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, cáo buộc ông kích động bạo lực sau cuộc bạo loạn, tấn công Điện Capitol của những người ủng hộ ông.
Mặt khác, cổ phiếu của Twitter giảm mạnh trong phiên ngày 11/1 và đè nặng lên nhóm cổ phiếu lĩnh vực truyền thông sau khi mạnh xã hội này này đình chỉ vĩnh viễn tài khoản của Trump.
Các công ty công nghệ lớn khác như Facebook, Alphabet thuộc sở hữu của Google và Apple cũng tỏ ra yếu thế trong phiên giao dịch ngày thứ Hai khi họ có những hành động mạnh mẽ nhất chống lại Tổng thống Trump để hạn chế phạm vi tiếp cận mạng xã hội của ông.
Thomas Hayes, chủ tịch của Great Hill Capital ở New York cho biết:
Bên cạnh đó, nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời sau tuần tăng mạnh trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới vượt ngưỡng 90 triệu tính đến ngày 11/1.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản sụt 0,48%. Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số KOSPI cũng mất 0,91%. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại sàn Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 0,54%.
Tuy nhiên, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia nhích nhẹ 0,24% bất chấp giới đầu tư bán tháo cổ phiếu.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt, tăng 0,256%, lên mức 90,56 điểm.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo thu nhập và dự báo nền kinh tế năm 2021 từ cuộc họp quý IV từ các ngân hàng lớn như JP Morgan, Citi và Wells Fargo bắt đầu từ ngày 14/1./.