Xin ông cho biết công tác chuẩn bị cho bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được huyện Gia Lâm thực hiện như thế nào? - Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Gia Lâm đã xây dựng, chỉ đạo triển khai Chỉ thị số 03-CT/HU ngày 8/12/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử trên địa bàn; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) bầu cử huyện gồm 19 thành viên. Bên cạnh đó, UBND huyện đã thành lập UBBC gồm 15 thành viên và chỉ đạo 22/22 xã, thị trấn thành lập BCĐ, UBBC cử tại địa phương theo đúng quy định của Luật.
Các tổ chức phụ trách bầu cử của huyện và xã, thị trấn đã được thành lập, hoạt động hiệu quả. Trong đó, UBBC huyện Gia Lâm đã quyết định thành lập 4 Tiểu ban giúp việc, 8 Ban bầu cử tương ứng với 8 đơn vị bầu cử huyện. Đối với cấp xã, căn cứ theo quy định, chúng tôi đã chỉ đạo thành lập 22 UBBC xã, thị trấn; 160 Ban bầu cử tương ứng với 160 đơn vị bầu cử xã, thị trấn. Bên cạnh đó, UBND huyện đã quyết định phê chuẩn 189 khu vực bỏ phiếu của các xã, thị trấn.
Đến thời điểm này, UBBC các cấp đã hoàn thành đúng, đủ quy trình các bước về ứng cử, hiệp thương giới thiệu người ứng cử theo quy định của Luật. Trong đó, tại thời điểm ngày 7/2/2021, huyện và 22 xã, thị trấn đã hoàn thành Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về thỏa thuận cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử. Từ ngày 24/2 - 11/3/2021, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, thôn/TDP đã thực hiện việc giới thiệu ĐB HĐND đúng quy định. Đến 17 giờ ngày 14/3/2021, Biên bản hội nghị và hồ sơ người ứng cử đã được gửi về Ủy ban MTTQ và UBBC. Đến ngày 18/3/2021, huyện Gia Lâm và 22 xã, thị trấn đã hoàn thành Hội nghị hiệp thương lần thứ hai về thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐB HĐND huyện và xã, thị trấn.
Cuộc bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, huyện đã triển khai công tác tuyên truyền như thế nào, thưa ông?- Để làm tốt công tác tuyên truyền, BTV Huyện ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt các Chỉ thị, văn bản triển khai, hướng dẫn của T.Ư, TP và huyện về bầu cử đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt huyện, cơ sở từ tháng 1/2021. Sau hội nghị quán triệt, chúng tôi chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền bầu cử tại các hội nghị giao ban cụm Đảng xã, thị trấn; các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chi hội, chi đoàn… Chỉ đạo mở mới chuyên mục, chuyên trang về bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và bầu cử ĐB HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lâm và trên hệ thống loa truyền thanh, đảm bảo công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục.
|
Chủ tịch HĐND huyện - Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt kiểm tra công tác bầu cử tại xã Trung Mầu |
Đến nay, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Tiểu ban thông tin tuyên truyền đã hướng dẫn các cơ quan chuyên môn của huyện và cấp ủy, UBND xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền phục vụ cuộc bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Công tác trang trí, cổ động trực quan được quan tâm; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng bầu cử được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân. Chuyên mục bầu cử trên Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lâm đã đăng tải 30 tin, bài. Chuyên trang phát thanh về bầu cử phát sóng 2 lần/ngày (thời lượng từ 10 - 15 phút/lần) và dành toàn bộ thời lượng 30 phút cho chương trình tuyên truyền về Luật Bầu cử, hỏi đáp về bầu cử vào các ngày Chủ nhật. Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về bầu cử, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các cuộc họp, hoạt động đảm bảo tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản của T.Ư, TP, huyện về công tác bầu cử; Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND; tiêu chuẩn người ứng cử ĐB Quốc hội, tiêu chuẩn ĐB HĐND; quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử; các hoạt động trong quá trình tiếp xúc cử tri; quy định về trình tự, thể thức bầu cử… Cùng với công tác tuyên truyền là tập huấn nghiệp vụ về bầu cử.
Để chuẩn bị cho công tác bầu cử, việc giới thiệu người ứng cử là rất quan trọng, huyện Gia Lâm đã thực hiện công tác này như thế nào, thưa ông?- Để bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác triển khai, tổ chức thực hiện bầu cử nói chung và giới thiệu người ứng cử nói riêng, Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm đã chỉ đạo xây dựng hướng dẫn về công tác nhân sự HĐND cấp huyện và cơ sở; giao Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất nhân sự giới thiệu ứng cử. Đồng thời thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các xã, thị trấn trong quá trình chuẩn bị nhân sự đảm bảo số lượng, cơ cấu tái cử, cơ cấu theo thành phần, cơ cấu kết hợp (đại biểu nữ, trẻ, ngoài Đảng) theo đúng quy định.
Theo đó, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thỏa thuận cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐB HĐND huyện là 66; ĐB HĐND xã, thị trấn là 1.164. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã thống nhất thỏa thuận lập danh sách sơ bộ 66 người ứng cử ĐB HĐND huyện và 1.148 người ứng cử ĐB HĐND xã, thị trấn, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để gửi đi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú theo quy trình hiệp thương đã quy định.
|
Chủ tịch HĐND huyện - Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt phát biểu tại Kỳ họp thứ 16 HĐND huyện Gia Lâm ngày 12/3 |
Thời gian từ nay đến ngày bầu cử (23/5) không còn nhiều, xin ông cho biết UBBC huyện Gia Lâm có chỉ đạo gì để cuộc bầu cử thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân?- Từ nay đến ngày bầu cử, UBBC huyện Gia Lâm thứ nhất sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đúng luật, đảm bảo tiến độ theo quy định. Thứ hai, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, trang trí cổ động trực quan tại các khu vực bỏ phiếu; phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng bộ và Nhân dân huyện về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND; động viên cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử. Thứ ba, chỉ đạo thực hiện công tác nhân sự, phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, đặc biệt là công tác nhân sự lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND các cấp. Thứ tư, chỉ đạo tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử, rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất, in ấn tài liệu phục vụ bầu cử theo tiến độ...
Một nhiệm vụ nữa là chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Tiếp tục chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của TP và huyện; chủ động xây dựng các phương án đảm bảo y tế để phục vụ công tác bầu cử. Cuối cùng, chỉ đạo công tác đảm bảo cơ sở vật chất và phân bổ kinh phí tổ chức bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND của huyện và các xã, thị trấn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!