Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bầu cử tại Hà Nội sẽ dẫn đầu cả nước về mọi mặt”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn: “Thủ đô sẽ làm gương cho cả nước, cử tri bỏ phiếu đông nhất, sớm nhất, an toàn nhất”.

Sáng 15/3, đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử Quốc gia do Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn đã làm việc với TP Hà Nội về triển khai công tác bầu cử. 

Dự tiếp đoàn giám sát có các đồng chí Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bầu cử TP Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Ban chỉ đạo công tác bầu cử TP Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn: “Thủ đô sẽ làm gương cho cả nước, tổ chức tốt mọi công việc liên quan đến bầu cử, cử tri bỏ phiếu đông nhất, sớm nhất, an toàn nhất”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn: “Thủ đô sẽ làm gương cho cả nước, tổ chức tốt mọi công việc liên quan đến bầu cử tốt nhất".
Báo cáo với đoàn giám sát về việc triển khai công tác bầu cử tại TP Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Ngay từ tháng 1/2016, Hà Nội đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo cuộc bầu cử và triển khai cuộc bầu cử trên địa bàn TP. Các quận, huyện, thị xã,  xã, phường cũng sớm chủ động, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác bầu cử theo đúng quy định của pháp luật, đồng bộ, nhanh chóng và kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, các vướng mắc về bầu cử đều đã được xử lý theo quy định. 

Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP cũng thông tin với Đoàn giám sát: Căn cứ vào kết quả hiệp thương lần thứ nhất, đến ngày 22/2, Thường trực HĐND các cấp đã thực hiện xong việc điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử ĐB HĐND TP cấp mình. 

Theo đó, cơ cấu thành phần người được giới thiệu ứng cử ĐB HĐND TP: Nữ từ 35% trở lên; người ngoài đảng phấn đấu từ 10% trở lên, người dưới 35 tuổi phấn đấu từ 15% trở lên; đồng bào dân tộc thiểu số từ 1- 2 người, phấn đấu có từ 30% trở lên số ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2011-2016 tái cử. 

Về đơn vị bầu cử: TP Hà Nội  được bầu 30 ĐB Quốc hội tại 10 đơn vị bầu cử ĐB Quốc hội. Ủy ban bầu cử TP cũng đã ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số lượng ĐB HĐND được bầu của mỗi đơn vị bầu cử ĐB HĐND cấp mình theo luật định, theo đó: HĐND TP được bầu 105 ĐB có 30 đơn vị bầu cử; HĐND cấp huyện được bầu 1.185 ĐB, có 288 đơn vị bầu cử; HĐND cấp xã được bầu 16.045 ĐB, có 4370 đơn vị bầu cử.

Tại cuộc giám sát, lãnh đạo huyện Đông Anh, phường Kim Mã (quận Ba Đình) cũng báo cáo với đoàn công tác triển khai công tác bầu cử cụ thể tại địa phương. Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc huyện gặp phải vướng mắc gì nhất, lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết: Huyện không gặp vướng mắc khó khăn gì trong triển khai công tác bầu cử. Hiện chỉ có việc có một số người khiếu kiện, kể cả những vụ việc rất nhỏ, hiện có 3 đơn cấp huyện, 2 đơn cấp xã và đang tập trung giải quyết.  

Các thành viên đoàn giám sát cũng đánh giá cao công tác triển khai bầu cử tại Hà Nội đến thời điểm này rất bài bản, đúng luật và chủ động. Về những công việc sắp tới, các thành viên đoàn giám sát đề nghị TP quan tấm đến các nội dung trọng tâm như đảm bảo quyền bầu cử của cử tri, lưu ý đến những đối tượng cử tri mới theo Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và HĐND TP như: Các người đang bị tạm giữ, tạm giam…; lực lượng sinh viên, công nhân, người lao động từ các tỉnh về Hà Nội… 

Cùng với đó, tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến ứng cử viên, đến bầu cử, theo đúng luật bầu cử. Lưu ý đến chất lượng ứng cử viên, phải đảm bảo tiêu chuẩn gắn với chất lượng. Về công tác tuyên truyên, đoàn giám sát đề nghị Hà Nội phải đi đầu, làm sao cho thông tin về ứng cử viên phải rộng rãi, sâu và đến với từng người dân. 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá việc Hà Nội triển khai công tác bầu cử kịp thời, chặt chẽ và bài bản, làm đúng quy định của pháp luật, các chỉ tiêu khó đều đảm bảo như nữ, dân tộc, tái cử… 

Đồng thời, đề nghị TP lưu ý một số điểm như các đối tượng cử tri theo Luật mới; đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu ĐB; phối hợp với Hội đồng bầu cử Quốc gia giải quyết tất cả những khúc mắc ở cơ sở. Đặc biệt, coi trọng công tác tuyên truyền cuộc bầu cử, có phương án phù hợp với từng đối tượng cụ thể, tạo không khí phấn khởi, để bầu cử thực sự là ngày hội toàn dân. “Không phải tuyên truyền là hô hào người dân phỉa đi bỏ phiếu, mà tuyên truyền để người dân nô nức đi bỏ phiếu mới thành công”, Phó Thủ tướng nói. 

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP phải tập trung làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kể cả những vụ việc phát sinh. Không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống; không để xảy ra tai nạn giao thông, cháy nổ trong ngày bầu cử. 

Hoan nghênh cách làm của Hà Nội là chuyển ảnh, tiểu sử của các ứng cử viên đến từng gia đình người dân để cử tri có được thông tin về những người mình sẽ lựa chọn để bầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội nên tiếp tục phát huy cách làm này. Đồng thời mong muốn: “Thủ đô sẽ làm gương cho cả nước, tổ chức tốt mọi công việc liên quan đến bầu cử, cử tri bỏ phiếu đông nhất, sớm nhất, an toàn nhất. Cuộc bầu cử tại Hà Nội sẽ dẫn đầu cả nước về mọi mặt”.