Chính trị gia lão luyện Hillary Clinton hay tỷ phú ngoại đạo Donald Trump chiến thắng thì cũng sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cục diện ngoại giao và kinh tế toàn cầu.
Nhân tố điều chỉnh thị trường
Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, cuộc bầu chọn nhà lãnh đạo của nước Mỹ thời gian qua đã trở thành nhân tố chính điều chỉnh thị trường toàn cầu. Tuyên bố của FBI về cuộc điều tra bê bối email mở rộng của bà Clinton và lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm lên tới 25% tổng số cử tri đã giúp các nhà đầu tư lạc quan về khả năng thắng cử của cựu Ngoại trưởng Mỹ. Bà Clinton vốn được xem là chính trị gia lão luyện với các quyết sách có phần dễ dự đoán hơn đối thủ bên phía đảng Cộng hòa. Do đó, việc cơ hội chiến thắng của cựu Ngoại trưởng Mỹ gia tăng đã trở thành liều thuốc “kích thích” cho thị trường toàn cầu. Chỉ số S&P500 tương lai (Mỹ) tăng 1,2%, kết thúc 9 phiên giảm liên tiếp của chỉ số này - chuỗi giảm điểm dài nhất trong hơn 35 năm.
Trong khi đó, chỉ số MSCI mở rộng khu vực châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) đã tăng 0,8%. Mức tăng mạnh nhất trong khu vực là ở thị trường chứng khoán Australia và Nhật Bản. Diễn biến khởi sắc nhất thuộc về đồng peso của Mexico, tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 tuần so với đồng bạc xanh. Thời gian qua, mỗi khi khả năng đắc cử của tỷ phú Trump tăng, thì tỷ giá đồng Peso lại sụt giảm, và ngược lại, bởi ứng cử viên này có nhiều chủ trương chính sách gây bất lợi cho Mexico.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn “giành cửa” cho Donald Trump với việc tỷ phú này thu hẹp khoảng cách đáng kể với bà Clinton trong những khảo sát tuần qua. Nhìn chung, thận trọng vẫn là tâm lý chính chi phối thị trường tài chính toàn cầu vào thời điểm hiện nay. Điều này thể hiện qua việc VIX - chỉ số đo lường sự bất ổn của thị trường - lên mức cao nhất trong gần 6 tháng, kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, giá USD sẽ lao dốc ngay lập tức tỷ phú Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8/11 tới. Về phản ứng dài hạn của thị trường, chiến thắng thuộc về bà Clinton sẽ khiến giới đầu tư chuyển trọng tâm chú ý trở lại với nền kinh tế và chính sách tiền tệ, trước mắt là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào ngày 13-14/12.
Thay đổi cục diện chính trị thế giới
Với tư cách là siêu cường số một thế giới, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, nhất là các đồng minh lâu năm. Đơn cử, tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều ủng hộ bà Clinton , trừ Hungary . Nhà báo Amanda Walker lý giải, nếu bà Clinton thắng trong cuộc đua đến Nhà Trắng, chính sách ngoại giao của Washington với trục xuyên Đại Tây Dương sẽ được tiếp tục. Trong khi đó, ông Trump đã nhiều lần công khai thể hiện quan điểm cho rằng các đồng minh châu Âu đang trở thành gánh nặng của Mỹ. Trong bối cảnh nước Nga ngày càng quyết đoán trên biên giới phía Đông của châu Âu, việc ông Trump – người luôn công khai ủng hộ Tổng thống V.Putin - trở thành Tổng thống sẽ không có lợi cho các nước EU. Chính sách phản đối tự do thương mại của ông Trump cũng đe dọa các hợp tác kinh tế mà Washington và EU đã có nên “Tổng thống Trump” là kịch bản mà EU không bao giờ muốn.
Thời gian gần đây, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước tiến đáng kể trong nhiều lĩnh vực, củng cố thêm quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Và mỗi ứng viên trở thành Tổng thống Mỹ sẽ thiết lập những chính sách khác nhau trong quan hệ ngoại giao. Nếu bà Clinton trở thành Tổng thống, nhiều khả năng các chính sách của ông Barack Obama sẽ được kế thừa, trong đó có chính sách xoay trục sang khu vực châu Á. Việt Nam, là một quốc gia trong khu vực này, sẽ tiếp tục có thể tăng cường quan hệ đối ngoại với Mỹ. The Diplomat cho rằng, với vị trí và kinh nghiệm của mình, cựu Ngoại trưởng Hillary trong vai trò Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ song phương với Việt Nam, hỗ trợ và hợp tác thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong các vấn đề nóng như Biển Đông, duy trì mạnh mẽ quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Từ tháng 1/2017, quốc gia hùng mạnh nhất thế giới sẽ có nhà lãnh đạo mới sau chiến dịch vận động tranh cử kéo dài và đầy tốn kém. Dù ông Trump hay bà Clinton làm Tổng thống thì nước Mỹ sau cuộc bầu cử cũng trở thành một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc. Đây sẽ là trở ngại rất lớn cho chính phủ kế nhiệm.