Lãnh đạo các cường quốc Mỹ, Nga, Pháp, Đức...tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I hôm 12/11. |
Các sự kiện chính của năm 2019 có thể đã quen thuộc với nhiều người: Sự tiến triển của Bắc Triều Tiên; động thái của Trung Quốc và diễn biến Trung Đông sẽ tiếp tục thu hút sự theo dõi; và rất có thể thêm cả chính sách của nước Mỹ vào năm thứ 3 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump - một người vô cùng khó đoán.
Tuy nhiên hoàn toàn có thể chắc chắn một cách hợp lý rằng những câu chuyện tin tức quốc tế sau đây sẽ tiếp tục thống trị sự quan tâm của thế giới trong năm tới:
Brexit: Thỏa thuận hay không thỏa thuận? Chia tay hay không chia tay?
Vương quốc Anh đang mong chờ năm mới với một loạt các cuộc khủng hoảng chính trị. Thủ tướng Theresa May đã đàm phán một thỏa thuận Brexit với Liên minh châu Âu (EU) mà khiến mọi người đều khó chịu, buộc bà phải hoãn cuộc bỏ phiếu dự kiến của quốc hội hồi đầu tháng 12. Bà May sau đó còn phải đối mặt với một cuộc nổi loạn ngay trong Đảng Bảo thủ của mình, mà bà đã may mắn "sống sót" với một chiến thắng không lấy gì làm vẻ vang.
Hiện tại, nữ thủ tướng Anh đã ấn định lịch bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit của mình vào ngày 14/1 tới, tuy nhiên Quốc hội dường như vẫn không thích một kế hoạch Brexit 2019 của chính phủ hơn là mấy so với những gì họ biết trong năm 2018. Sự khác biệt duy nhất có lẽ chỉ là các nhà lập pháp Anh sẽ bỏ phiếu gần với thời hạn Brexit hơn.
Nếu vào ngày 29/3/2019, nước Anh không thể phê chuẩn một thỏa thuận Brexit, quốc gia này sẽ rời khỏi EU mà không có bất cứ ký kết nào, dẫn đến các kịch bản tồi tệ hoàn toàn có cơ sở đối với người Anh như thiếu lương thực và thuốc men, các chuyến bay bị đình trệ, đồng Bảng Anh rớt giá... Chính phủ của bà May đã tăng cường lập kế hoạch dự phòng cho một kịch bản không thỏa thuận này nhưng với một nước Anh càng đến gần ngày ra đi thì kết quả dường như càng thảm khốc.
Đó là lý do tại sao các lời kêu gọi cho một cuộc trưng cầu dân ý lần hai đang lớn dần lên tại Anh. Chính quyền bà May có cơ sở để lo sợ tình huống này, bởi phe Bregret (ủng hộ Anh ở lại EU) đang lớn lên nhanh chóng khi một số cử tri vốn ủng hộ rời EU hiện đang nhận ra rằng những lời hứa của Brexit không phải là tất cả những gì họ đã tưởng tượng.
Có thể nói, bất cứ điều gì xảy ra vào ngày 29/3/2019 có thể sẽ làm thất vọng một phần không nhỏ của nước Anh.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung phần hai?
Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa hiệp khiêm tốn về thương mại bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào đầu tháng 12 này. Ông Trump đã đồng ý giữ kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ đô la cho đến ngày 1/1 và đưa ra mốc 90 ngày cho các cuộc đàm phán để đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện với Bắc Kinh.
Các cuộc đàm phán đã được lên kế hoạch cho tháng 1/2019 nhưng vấn đề sâu xa nằm ở thuế quan và thâm hụt thương mại, khi Mỹ có mức thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc, mà Washington đang rất muốn giảm thiểu dựa vào sự thay đổi mang tính nhượng bộ từ Bắc Kinh.
Thuế quan có thể được giải quyết bởi hiện nó đang làm tổn thương sâu sắc nhiều mặt của cả hai quốc gia, tuy nhiên về các vấn đề khác, chẳng hạn như bảo vệ sở hữu trí tuệ, thì cách biệt của hai bên vẫn còn khá xa.
Đồng thời, những căng thẳng mới giữa hai nước dường như nảy sinh thêm mỗi ngày. Việc bắt giữ lãnh đạo cấp cao của Huawei Mạnh Vãn Chu vì vi phạm lệnh trừng phạt Iran đã làm xáo trộn quan hệ ba quốc gia - với một Canada bị kẹt ở giữa Mỹ và Trung Quốc. Đáng nói là vụ bắt giữ được xem như một lời cảnh báo của Washington tới Bắc Kinh vì mối lo ngại gián điệp Trung Quốc tràn ngập Mỹ và phương Tây bấy lâu nay. Theo sau đó còn là bản cáo trạng của Mỹ hồi tuần trước về hai tin tặc có liên quan đến chính phủ Trung Quốc, bị cáo buộc xâm nhập hệ thống kinh doanh và chính phủ của nhiều quốc gia trong nhiều lĩnh vực để đánh cắp những bí mật có giá trị.
Truong khi đó Chủ tịch Tập Cận Bình hướng tới một năm 2019 mà không có chút tư tưởng lùi bước trên trường quốc tế. Trong một bài phát biểu tuần qua, ông Tập đã bảo vệ chính sách của mình và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Dù không đi sâu vào chi tiết cuộc chiến thương mại với Mỹ nhưng ông Tập tuyên bố rằng không ai có thể ra lệnh cho người dân Trung Quốc nên và không nên làm gì.
Điều đó có nghĩa là năm 2019 có thể là một năm khó đoán với hai cường quốc của thế giới. Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận, hoặc tất cả có thể sụp đổ và cuộc chiến thương mại có thể leo thang một lần nữa.
Bờ vực của dân chủ?
"Chúng ta đang bị suy yếu bởi những niềm tin đáng buồn: chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa cực đoan...", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm chấm dứt Thế chiến thứ nhất hồi tháng 11 vừa qua. Ông đã phản ánh về sự tương đồng giữa lúc đó và bây giờ, khi các quốc gia đã chuyển hướng và các thể chế dân chủ đang rút lui.
Năm 2018 chứng kiến Hungary và Ba Lan tiến xa hơn về chủ nghĩa dân tộc. Một người yêu thích chế độ dân túy, ông Jair Bolsonaro, đã giành được chức Tổng thống Brazil. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục đặc cử và củng cố quyền lực của mình.
Bởi vậy, năm tới sẽ là thời điểm thử thách thực sự với các chế độ dân chủ, đặc biệt là hai nền dân chủ lớn như Ấn Độ và Nigeria sẽ phải đối mặt với các cuộc bầu cử dự báo có nhiều bất ngờ. Mỹ, quốc gia được xem là kẻ lãnh đạo của thế giới tự do, có thể phải đối mặt với biến cố về thể chế vào năm 2019, khi một Quốc hội bị chia rẽ và một Tổng thống chịu áp lực ngày càng tăng từ nhiều cuộc điều tra "yếu tố Nga".
Triều Tiên: Một hội nghị thượng đỉnh lần hai hay sẽ còn tồi tệ hơn trước?
Chúng ta sẽ nhanh chóng biết được Triều Tiên chuẩn bị điều gì cho thế giới trong năm 2019, sớm nhất là vào ngày 1/1 tới, khi Chủ tịch Kim Jong-un đọc bài phát biểu mừng năm mới. Nhiều khả năng, đó sẽ là lúc Nhà lãnh đạo Triều Tiên tiết lộ những gì trong chương trình nghị sự của mình, đặc biệt là về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hôm 20/12, Thông tấn xã Triều Tiên đã đưa ra tuyên bố đanh thép rằng nước này sẽ không phi hạt nhân hóa cho đến khi Mỹ đồng ý loại bỏ mối đe dọa hạt nhân khỏi Bán đảo Triều Tiên và khu vực. Nếu ông Kim thực sự nhắc lại yêu cầu này trong bài phát biểu năm mới của mình, chính quyền Trump sẽ càng gặp khó khăn trong việc thuyết phục thế giới rằng Triều Tiên đang từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Câu hỏi cấp bách sau đó sẽ là: Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục vờ như không hiểu hay chấp nhận với thực tế ngày càng rõ ràng rằng Bình Nhưỡng không thay đổi một khi Washington chưa nhượng bộ? Và nếu cuối cùng ông Trump buộc phải thừa nhận những bức thư của ông Kim là vô nghĩa, thì công cụ nào còn lại để Mỹ giải quyết được mối đe dọa của Triều Tiên?
Có thể lạc quan rằng Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang và sẽ tôn trọng tiến trình này, vậy thì thứ mà ông có thể đạt được trong năm 2019 tới là một hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Trump.
Thái tử Ả Rập sẽ đứng vững?
Mỹ - Ả Rập có thể là mối quan hệ đối tác không chắc chắn nhất vào năm 2019. Thế giới vẫn đang quay cuồng với vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi, kéo theo những tranh cãi về vai trò của nhà lãnh đạo thực tế của vương quốc - Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) - trong vụ việc này.
Cái chết của ông Khashoggi phần nào dã làm sáng tỏ mặt tối của MBS, với vỏ bọc là một nhà cải cách hiện đại, rằng ông này đang cố gắng thâu tóm quyền lực, trấn áp tự do ngôn luận và lấp liếm vai trò của bản thân trong cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen.
Một trong những câu chuyện của năm 2019 sẽ là liệu Nhà Trắng có thể bảo vệ một Saudi của Thái tử MBS, dù với tình hình hiện tại có lẽ đã là quá muộn.
Quốc hội Mỹ là một lý do lớn đang làm khó chính quyền Trump, khi Thượng viện tháng này đã thông qua một nghị quyết lịch sử nhằm chấm dứt sự hỗ trợ của quân đội Mỹ cho liên minh do Ả Rập dẫn đầu ở Yemen như một biện pháp để lên án Thái tử MBS về vụ sát hại nhà báo.
Dự luật của Thượng viện chưa thực sự đi đến đâu vào lúc này, nhưng những người Dân chủ sắp sửa nắm quyền Hạ viện vào năm 2019 đang sẵn sàng thúc đẩy quyết định này. Trên hết, Đảng Dân chủ dự kiến sẽ mở cuộc điều tra tài chính và các kết nối nước ngoài của Tổng thống đương nhiệm, tất nhiên sẽ bao gồm cả mối quan hệ kinh doanh của ông Trump với Hoàng gia Ả Rập. Nhìn rộng hơn, cuộc chiến do Saudi dẫn đầu ở Yemen mà Mỹ đã ủng hộ về mặt quân sự, sẽ tiếp tục là mục tiêu bài trừ của lưỡng đảng trong năm 2019.
Điều này cũng là lý do khiến việc Thái tử MBS có thể giữ vững quyền lực của mình ở Ả Rập hay không sẽ là một câu chuyện quan trọng của năm 2019.
Con rể Trump có câu trả lời cho hòa bình Trung Đông?
Tổng thống Trump trước đây đã tự tin rằng nếu Jared Kushner - con rể và đồng thời là cố vấn cấp cao của ông, không thể tạo ra hòa bình ở Trung Đông, thì không ai có thể. Và năm 2019 sẽ kiểm tra khẳng định đó. Chính quyền Washington được cho là sẽ bắt đầu công bố kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine vào năm tới, với thời điểm lý tưởng là trước khi Israel tổ chức bầu cử quốc gia vào năm 2019.
Bản thân ông Kushner đã chê bai những nỗ lực của các kế hoạch hòa bình trong quá khứ, khi cho rằng chúng đã tạo ra quá nhiều sai lầm. Tuy nhiên viễn cảnh mà ông, cùng với đặc phái viên Trung Đông Jason Greenblatt, tạo nên liệu có khả năng đưa ra một điều gì đó mà người Palestine có thể chấp nhận nhưng không lại làm phật lòng đồng minh chiến lược Israel?
Chính ông Kushner cũng là đầu mối giao dịch giữa Mỹ với Ả Rập Saudi, một phần cũng là để thúc đẩy kế hoạch trên, và dường như nay đã vướng đầy nghi ngại, ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng Khashoggi bùng nổ. Bởi vậy câu hỏi khả quan cho năm 2019 lúc này là liệu kế hoạch Trung Đông của con rể Trump sẽ lặng lẽ thất bại hay sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực?
Nước Nga là...?
Bất kể mối quan hệ Trump - Nga mà nước Mỹ đang điều tra có là thật thì mâu thuẫn giữa hai cường quốc này vẫn không hề hạ nhiệt. Trong một bài phát biểu hôm 20/12, ông Putin đã cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân vì quyết định từ bỏ Hiệp ước lực lượng hạt nhân chiến lược tầm trung (INF) của Mỹ, trong khi nhiều chuyên gia chỉ ra khả năng bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang ở cả châu Âu và châu Á. Hạn 60 ngày mà Washington đưa ra cho tương lai của INF đang cạn dần, hứa hẹn những bùng nổ ngay đầu năm 2019 giữa Nga - Mỹ là không tránh khỏi.
Bên cạnh đó, công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang chuẩn bị cho những câu trả lời chính thức về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, hay cụ thể là làm rõ khả năng phối hợp giữa điện Kremlin với đội ngũ tranh cử của ông Trump. Thế giới sẽ được thấy một "ông kẹ" Nga do Mỹ và phương Tây tự vẽ ra hay một Moscow với tầm ảnh hưởng ghê gớm thực sự - tất cả sẽ được trả lời vào năm 2019.