Trong khi vụ bê bối của Tập đoàn Công nghệ Huawei đang thụ lý ở tòa án Canada, một vấn đề khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực châu Á Thái Bình Dương lo sợ lại nổi lên. Đó là việc buộc phải lựa chọn giữa hai cường quốc Mỹ - Trung.
Ảnh minh họa. |
Trung tâm của bê bối là vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính và con gái của người sáng lập tập đoàn Huawei. Theo yêu cầu của phía Mỹ, giới chức Canada đã bắt giữ bà Mạnh ở Vancouver, nơi CFO này đang đối diện với trát dẫn độ theo yêu cầu của Mỹ. Washington vẫn có kế hoạch cáo buộc tập đoàn này vi phạm các lệnh trừng phạt với Iran.
Trung Quốc đã cảnh báo Canada về các hậu quả nghiêm trọng nếu không thả bà Mạnh, rằng Canada sẽ “chịu hoàn toàn trách nhiệm” nếu bà Mạnh bị truy tố.
Bắc Kinh cũng triệu tập Đại sứ Canada để yêu cầu ngay lập tức thả bà Mạnh Vãn Chu. Chính quyền nước này cũng triệu tập Đại sứ Mỹ để thúc giục các công tố viên từ bỏ vụ việc. Mặt khác, các thành viên Quốc hội Mỹ đã kêu gọi Canada tránh xa khỏi công ty Huawei.
Ông Marco Rubio, một thành viên lâu đời của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết, sẽ theo đuổi một đạo luật để ngừng các hoạt động của Huawei tại Mỹ vì lý do quan ngại cho an ninh quốc gia. Trong khi đó, Mark Warner, một Thượng nghị sỹ có tầm ảnh hưởng khác, cảnh báo rằng Huawei là “nguy cơ cho an ninh quốc gia”.
Bất kể vụ việc diễn biến như thế nào từ đây, vụ Huawei có nguy cơ khiến Canada đối mặt với cuộc xung đột có thể gây thiệt hại với ít nhất một và có thể là cả hai đối tác kinh tế quan trọng của Canberra.
Một ví dụ đơn lập và thiếu hoàn thiện như trường hợp của Huawei, cũng dấy lên nỗi sợ hãi leo thang rằng một số các quốc gia khác có khả năng trở thành “nạn nhân” của những quan ngại xung đột về an ninh quốc gia giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này gợi nhớ đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong đó các nước phải đối mặt với sự lựa chọn theo phe Liên Xô hay Mỹ.
Nhớ lại giai đoạn đó, những nỗ lực không “chọn phe” cuối cùng đã không thể ngăn ảnh hưởng từ sự cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô. Ngày nay, các thể chế quốc tế suy yếu và sự khó khăn để đạt được bất kỳ sự đồng thuận nghiêm túc nào tại các hội nghị thượng đỉnh đa phương như G20 và Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là những ví dụ cho thấy sự bất lực tương tự. Thật vậy, cấu trúc đa phương đã quá yếu và thiếu cải cách, hiện đại hóa để đối phó với một loạt thách thức trong hiện tại và tương lai.
Với sự tiến bộ đa chiều của toàn cầu hóa kinh tế và tài chính, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến một loạt vấn đề, từ dòng chảy thương mại - đầu tư, cho đến những lựa chọn công nghệ cơ bản, có ý nghĩa an ninh quốc gia quan trọng.
Trung Quốc và Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn tới phần còn lại của thế giới trong quá trình đổi mới công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính và dữ liệu lớn. Nhưng thay vì đi theo con đường hội tụ, hai mô hình dường như ngày càng khác nhau, đặc biệt trong mối quan hệ giữa chính phủ và các tập đoàn công nghệ lớn. Không có gì ngạc nhiên khi Eric Schmidt, Cựu Chủ tịch Tập đoàn Google, Alphabet đã lên tiếng cảnh báo khả năng về một thế giới công nghệ phân cực cao.
Trong bối cảnh giai đoạn hòa giải Gorbachev-Reagan hồi thập niên 1980, một nhà lãnh đạo châu Phi khi được hỏi về sự khác biệt của đất nước mình giữa thời bình và căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh đã trả lời rằng đối với ông và các quốc gia châu Phi khác, nó tương tự như cỏ dưới chân hai con voi lớn. Dù những con voi đang nhảy múa hay chiến đấu; các quốc gia có nguy cơ bị chà đạp trong cả hai trường hợp.
Các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã sống qua thời kỳ hoàng kim mà họ có thể làm bạn với cả Trung Quốc và Mỹ. Thời kỳ đem đến cho họ một loạt các cơ hội phát triển kinh tế, tài chính và văn hóa to lớn. Nỗi lo sợ hiện nay là cuối cùng họ có thể bị buộc phải lựa chọn làm bạn với phe này hoặc phe kia, và hoàn toàn không hạnh phúc và thoải mái bất chấp lựa chọn của họ có là gì.
Bài viết là quan điểm của Mohamed A. El-Erian, nhà bình luận của Bloomberg Opinion. Ông là cố vấn kinh tế trưởng, CEO tại Allianz SE, công ty mẹ của Pimco