Năm 2008, CHDCND Triều Tiên đã đơn phương rời khỏi khuôn khổ diễn đàn này. Đồng thời với sự bác bỏ nói trên, CHDCND Triều Tiên cho biết chỉ sẵn sàng đàm phán với Mỹ về hiệp ước hoà bình và chỉ có giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng trong khuôn khổ của hiệp ước hòa bình song phương với Mỹ. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố Mỹ sẵn sàng nới lỏng những biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên được áp dụng lâu nay với điều kiện nước này thực sự chủ ý và quyết tâm chấm dứt chương trình hạt nhân.
Nếu như ở vào thời điểm khác, trong bối cảnh tình hình khác và giữa các đối tác khác thì việc bên này mời chào đối thoại và đàm phán với bên kia là cơ hội hiếm thấy để các bên liên quan khởi động quá trình giải quyết bất hòa, bình thường hoá và cải thiện quan hệ. Nhưng Mỹ, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên lại không như vậy. Trên bán đảo Triều Tiên về danh nghĩa mới chỉ có thoả thuận ngừng bắn chứ chưa chấm dứt chiến tranh. Căng thẳng và đối đầu, nghi ngại và đối phó lẫn nhau vẫn là tông điệu chủ đạo trong bức tranh về thực trạng quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc.
Đã có thời vấn đề hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên thuộc diện thời sự hàng đầu của chính trị an ninh khu vực và thế giới. Nhưng thời gian gần đây, nó bị nhiều vấn đề khác gạt xuống hàng thứ yếu. Việc vấn đề hạt nhân của Iran đi vào khuôn khổ giải pháp chính trị tạo ra sự nhìn nhận khác của thế giới bên ngoài về Triều Tiên và vấn đề hạt nhân của nước này, đồng thời sẽ chỉ gia tăng chứ không làm giảm áp lực đối với Bình Nhưỡng. Chương trình hạt nhân là con át chủ bài chiến lược quan trọng và quyết định nhất của CHDCND Triều Tiên trong quan hệ với Mỹ và các nước khác ở khu vực Đông Bắc Á. Có thể nói kịch bản diễn biến xấu nhất về môi trường chính trị an ninh và đối ngoại đang xảy ra đối với Triều Tiên khi vấn đề hạt nhân của Iran có định hướng giải pháp, Mỹ không dành ưu tiên thỏa đáng nữa cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng mà vẫn duy trì các biện pháp cấm vận và trừng phạt nước này. Mỹ hiện không vội với việc giải quyết vấn đề này để tập trung vào giải quyết vấn đề khác và chơi con bài thời gian với CHDCND Triều Tiên.
Về phần mình, Triều Tiên hoàn toàn không có chủ ý giải quyết vấn đề hạt nhân bằng mọi giá. Mục tiêu cao nhất của Bình Nhưỡng không phải là giải quyết vấn đề hạt nhân với Washington mà là bình thường hoá quan hệ. Vì triển vọng ấy rất mù mịt nên hiện tại Triều Tiên không những không có nhu cầu giải quyết vấn đề hạt nhân mà còn phải tiếp tục sử dụng nó. Khi đưa ra đề nghị và mời chào nói trên, Mỹ và Hàn Quốc biết trước chắc chắn rằng Triều Tiên sẽ không chấp nhận. Dù vậy, qua đó Mỹ và Hàn Quốc vẫn có thể tranh thủ dư luận và gia tăng áp lực đối với Triều Tiên.