Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất bao nhiêu thì dường như quan hệ của Mỹ với Nga lại trắc trở và căng thẳng thêm bấy nhiêu. Bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm G20 ở Brisbane, Tổng thống Mỹ Barack Obama còn phát biểu coi chính sách của Nga là mối đe doạ đối với hoà bình thế giới. Điều này càng đáng được lưu ý hơn khi nhớ lại rằng sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ cách đây gần 6 năm, ông Obama đã chủ định "khởi động lại quan hệ của Mỹ với Nga". Sự tương phản về bản chất lẫn mức độ quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Nga đã trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Mỹ vừa chủ ý biểu hiện ra bên ngoài như vậy lại vừa buộc phải làm vậy. Sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ mới vừa rồi ở Mỹ, ông Obama bị yếu thế hơn trước ở trong nước và vì thế cả ở nước ngoài. Trung Quốc lại tận dụng việc tổ chức Hội nghị cấp cao APEC để phất cờ gây dựng và thể hiện vai trò to lớn hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới, như thế về lâu dài không thể không thách thức vai trò và ảnh hưởng của Mỹ. Mỹ thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc để vừa có phần trong cuộc chơi mới ở khu vực, vừa có cơ hội kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó với Nga, Mỹ trắc trở trên danh nghĩa vì vấn đề Ukraine, nhưng trên thực tế còn sâu xa hơn thế. Mỹ lo ngại Nga phá vỡ trật tự chính trị an ninh hiện tại ở châu Âu mà trong đó, Mỹ cùng với EU và NATO có thể ràng buộc và kiềm chế được Nga. Cho nên, Mỹ làm căng với Nga mặc dù vẫn cần Nga để xử lý một số vấn đề khác động chạm đến lợi ích chiến lược thiết thực và lâu dài của mình. Mỹ giữ khoảng cách với Nga ở APEC và căng thẳng với Nga ở G20 là có lý do của nó.