Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bến Tre: Tiêu hủy khẩn cấp đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi

YÊN NỘI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/7, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre cho biết, trên địa bàn tỉnh xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Đây là địa phương cuối cùng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) và là tỉnh thứ 61 của cả nước xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Mới đây đàn heo của ông Nguyễn Văn Tiễn (ở ấp 1 A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) phát hiện 2 con heo nái trong tổng đàn 54 con lợn bị bệnh nghi dịch tả lợn châu Phi. Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bến Tre tiến hành lấy 2 mẫu xét nghiệm phát hiện dương tính với dịch bệnh này. 
 Lực lượng chức năng tỉnh Bến Tre tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Giồng Trôm.
Sau khi phát hiện ổ dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi tỉnh Bến Tre tổ chức lực lượng tiêu hủy ngay đàn lợn dương tính với dịch tả lợn Châu Phi của hộ ông Nguyễn Văn Tiễn, ở ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Qua đó, có 54 con lợn gồm: 7 lợn nái, 36 con lợn thịt và 11 con lợn con được tiêu hủy bằng hình thức cho dòng điện giật và chôn lấp dưới các hố sâu. Do xảy ra nhiều cơn mưa to kéo dài nên việc tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh này gặp khó khăn.
Vì vậy, Ban Chỉ phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi tỉnh Bến Tre đã tổ chức cuộc họp khẩn với các thành viên, các sở ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh để triển khai các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ gần 600 nghìn con lợn tại địa phương. Đối với huyện Giồng Trôm, nơi xảy ra ổ dịch thì tăng cường các biện pháp khống chế, bao vây ổ dịch; tổ chức tiêu độc sát trùng các trại lợn ở phạm vi cách ổ dịch 3km. Các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền phòng dịch, duy trì hoạt động 24/24 ở 10 trạm kiểm dịch tại các tuyến đường giao thông trọng yếu; giám sát chặt chẽ việc mua bán, kinh doanh, giết mổ lợn.