Bệnh bạc lá hoành hành lúa Mùa

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tới thời điểm này, toàn huyện Thanh Oai có hơn 1.400ha lúa bị bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất lúa vụ Mùa 2017 của huyện.

Bạc trắng cánh đồng

Dọc tuyến đường Cienco 5, đoạn qua địa phận các xã Thanh Văn, Tam Hưng (huyện Thanh Oai), cả cánh đồng lúa Mùa tới thời kỳ thu hoạch phủ kín một màu bạc trắng do bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Nhìn những ruộng lúa xác xơ, trên bông lúa số hạt lép nhiều hơn hạt mẩy, mà không khỏi xót xa. Bần thần bên ruộng lúa bạc phếch của gia đình, bà Nguyễn Thị Tuyến (thôn Quan Nhân, xã Thanh Văn) than thở, vụ Mùa năm nay quá vất vả, hết lo tháo nước ngập úng sau mưa bão, khi lúa vừa đứng đòng, thì lại bị bệnh bạc lá tấn công. “Tính ra nhà tôi đã phun mất mấy trăm ngàn tiền thuốc, mà không ăn thua, chỉ mấy ngày mà bệnh lan ra cả ruộng. Giờ trên mỗi bông lúa chỉ được 2 – 3 nhánh hạt mẩy còn lại toàn là hạt lép” - bà Tuyến chia sẻ. Bà Vũ Thị Yến (thôn Song Khê, xã Tam Hưng) cũng chung nỗi niềm này vì 3,7 mẫu ruộng trống lúa của gia đình bị bệnh bạc lá tấn công. “Vụ Mùa năm trước nhà tôi thu gần 5 tấn thóc, còn năm nay lúa nhiễm bệnh nặng thế này, tôi chỉ ước lấy 2 tấn không biết có nổi không” - bà Yến cho biết.

Bà Vũ Thị Yến thôn Song Khê, xã Tam Hưng bên ruộng lúa bị bạc lá gây hại.   Ảnh: Nguyễn Nga

Trao đổi về vấn đề này, ông Chu Văn Khải - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, vụ Mùa 2017 toàn huyện gieo cấy 6.614ha lúa, trong đó 60% diện tích là giống lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7. Tuy nhiên, đúng thời điểm lúa đứng đòng thì xuất hiện bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 1.406ha lúa bị nhiễm bệnh với tỷ lệ trung bình từ 20 – 25% lá, có những nơi cao lên tới 50 – 70% lá. Bệnh tập trung chủ yếu ở các xã Tam Hưng, Thanh Văn, Tân Ước… gây hại chủ yếu trên giống lúa Bắc thơm số 7. Ngoài bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, hiện nay trên địa bàn huyện còn xuất hiện một số loại bệnh như khô vằn, rầy nâu, sâu đục thân… gây hại trên lúa Mùa. Những diễn biến phức tạp của một số loại bệnh trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất và chất lượng lúa Mùa trên địa bàn huyện.

Tăng cường khuyến cáo tới nông dân

Bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, vụ Mùa năm 2017 nông dân phải canh tác trong điều kiện thời tiết khăc nghiệt, nóng ẩm, mưa nhiều và đặc biệt là ảnh hưởng liên tiếp của các cơn bão. Đây là điều kiện lý tưởng để bệnh bạc lá hoành hành. Đến thời điểm hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội đã có khoảng 2.131ha lúa nhiễm bệnh bạc lá. Trong đó một số huyện có tỷ lệ nhiễm bệnh cao như Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín…

Theo bà Thoa, có 3 nguyên nhân dẫn đến bệnh bạc lá, đầu tiên là yếu tố thời tiết, sau đó tới cơ cấu giống lúa, cuối cùng là do cách chăm sóc của bà con nông dân. Khi lúa nhiễm bệnh, năng suất sẽ giảm, mức độ nhẹ thì từ 15 – 25% sản lượng, ở cấp độ nặng có thể giảm tới trên 50% năng suất. Bệnh do vi khuẩn tấn công, thường xuất hiện vào vụ Mùa và gây hại chủ yếu trên các giống lúa có nguồn gốc từ Trung Quốc như Bắc thơm số 7. Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc đặc trị bệnh, chủ yếu là nhóm thuốc kháng sinh. Vì vậy phương pháp tối ưu với loại bệnh này là phòng bệnh. Thực tế hiện nay nhận thức của đại bộ phận nông dân về các biện pháp phòng, chống bệnh bạc lá còn hạn chế. Nhiều hộ nông dân còn sử dụng phân bón chưa đúng kỹ thuật, còn bón nhiều đạm, bón không đúng thời điểm. Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con nông dân. Đồng thời khuyến cáo người dân chủ động thay đổi cơ cấu giống lúa Mùa, thay vì cấy các giống lúa chất lượng, chuyển sang các giống lúa truyền thống có khả năng chống bệnh tốt như Khang dân, Thiên ưu…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần