Bệnh động vật xuyên biên giới – mối lo của thương mại quốc tế

Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi xảy ra dịch bệnh động vật xuyên biên giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật. Ngoài ra, tình trạng này còn làm giảm uy tín thương mại quốc tế đối với các sản phẩm từ động vật.

Nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh cao

Bệnh động vật xuyên biên giới là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật có thể lây lan nhanh chóng qua biên giới quốc gia, gây thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội. Bệnh động vật xuyên biến giới thường tác động và ảnh hưởng đến nhiều loại động vật, bao gồm gia súc, gia cầm và có thể lây truyền sang cả con người.

Tại Việt Nam, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh xuyên biên giới rất cao. Do số lượng đàn vật nuôi lớn, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện tại đàn trâu cả nước là 2,2 triệu con, đàn bò 6,4 triệu con, đàn lợn trên 26,3 triệu con, đàn gia cầm 559 triệu con. Tuy nhiên phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dụng tỷ lệ còn cao (trên 50 %) cộng với thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, nắng nóng, rét đậm rét hại kéo dài nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trên gia súc gia cầm là rất cao.

Dịch bệnh động vật xuyên biên giới làm ảnh hưởng tới sức tiêu thụ sản phẩm động vật, gia cầm.
Dịch bệnh động vật xuyên biên giới làm ảnh hưởng tới sức tiêu thụ sản phẩm động vật, gia cầm.

Thực tế tại Việt Nam cũng đã xảy ra nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có các bệnh xuyên biên giới trên gia súc, gia cầm gây thiệt hại lớn đến kinh tế. Một số bệnh động vật xuyên biên giới nguy hiểm đối với Việt Nam trong thời gian qua, như bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò và lợn; bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò; bệnh tai xanh, dịch tả lợn châu Phi trên lợn; bệnh cúm gia cầm H5N1 trên gia cầm…. Các bệnh trên chủ yếu do vi rút gây ra nên có tốc độ lây lan nhanh rộng tác động và ảnh hưởng đến cộng động.

Thêm vào đó, Việt Nam là nước có đường biên giới dài, đường bộ giáp với Trung Quốc, Lào, Camphuchia; tổng chiều dài đường biên giới đất liền của Việt Nam khoảng 4.555 km. Ngoài ra Việt Nam còn có đường biên giới trên biển giáp với một số nước (như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia qua Biển Đông), do vậy nguy cơ lây nhiễm bệnh động vật nguy hiểm xuyên biên giới rất lớn.

Trong hoạt động thương mại quốc tế, mỗi nước đều có quy định rất rõ ràng trong việc xuất nhập khẩu động vật. Tại Việt Nam, Luật Chăn nuôi và Luật Thú y cũng đã quy định nhập khẩu các loại động vật, sản phẩm động vật an toàn. Vì vậy, khi xảy ra dịch bệnh động vật xuyên biên giới, các nước khác sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế, hoặc cấm nhập khẩu sản phẩm động vật, dẫn đến giảm xuất khẩu và ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi.

Ngoài ảnh hưởng tới xuất khẩu, bệnh động vật xuyên biên giới có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế, do ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm động vật và chi phí phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, làm ảnh hưởng ngay đến giá thành các sản phẩm động vật khác do nguồn cung giảm, giá thành sản phẩm động vật trên thị trường nội địa có thể tăng cao, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Trên thực tế, khi xảy ra dịch bệnh dịch tả châu Phi làm giảm ngay số lượng sản phẩm từ lợn, khiến giá thành các sản phẩm động vật khác tăng theo (như thịt bò, thịt gia cầm, cá …).

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh

Trong Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam hướng tới chăn nuôi bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở rộng thị trường, tiến tới xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu trên, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh phải đặt lên hang đầu để đáp ứng điều kiện thương mại giữa các nước và cũng là đảm bảo uy tín trong xu thế hội nhập thế giới.

Giải pháp đầu tiên đó là các cấp, các ngành phải áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi đi kèm phòng chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật (Luật Chăn nuôi, Thú y, an toàn thực phẩm …) và hương dẫn của Bộ NN&PTNT. Trong đó, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả về chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh từ khâu chọn giống đến các quy trình chăn nuôi, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, vaccine, vệ sinh phòng bệnh. Đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý ổ dịch có hiệu quả ngay từ cơ sở, không để phát sinh diện rộng.

Song song, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch trong chăn nuôi, đẩy nhanh tiến độ chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi tập trung giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ cao cũng là giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, phát triển bền vững. Đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm trong chăn nuôi, phòng chống dịch tạo sự đồng bộ trong quản lý, thực thi pháp luật của người dân.

Giải pháp căn cơ tiếp theo, đó là phải đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đặc biệt là các quy trình về chăm sóc nuôi dưỡng, hạn chế người ra vào khu chuồng nuôi; xuất nhập, vận chuyển động vật, thức ăn thuốc thú y, trang thiết bị chuồng nuôi. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ bệnh động vật xuyên biên giới và những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh. Bằng nhiều hình thức thông qua truyền thông, đào tạo, tập huấn đến các đối tượng kể cả người tiêu dùng, nhà quản lý, nhà chuyền môn để tạo sự đồng bộ từ trên xuống dưới cùng thực hiện.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống bệnh động vật xuyên biên giới, thường xuyên chia sẻ thông tin về dịch bệnh, kinh nghiệm phòng chống giữa các nước, nhất là các nước có chung đường biên. Thực hiện việc ký kết hợp tác trên lĩnh vực về chăn nuôi an toàn sinh học, các giải pháp chống dịch. Đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, dụng cụ trang thiết bị hoá chất tiên tiến hiện đại giữa các nước, có như vậy công tác phòng chống bệnh động vật xuyên biên giới sẽ ngày càng hiệu quả.