Bị áp dụng biện pháp tự vệ: Mỗi nước đều có quyền được bồi thường và trả đũa

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với hai biện pháp phòng vệ thương mại là chống bán phá giá và chống trợ cấp của Chính phủ, biện pháp tự vệ (BPTV) xuất phát từ bản chất nước nhập khẩu bị áp dụng không có lỗi do đó nước phải chịu tác động bất lợi từ việc áp dụng biện pháp này có quyền được nước áp mức đền bù một cách thỏa đáng.

Pháp luật Việt Nam cũng quy định rõ, khi áp dụng các BPTV mà gây thiệt hại cho các bên thì Việt Nam phải đảm bảo bù đắp thiệt hại cho các bên theo pháp luật Việt Nam và theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Cách thức và mức độ đền bù thiệt hại hoàn toàn do hai nước thỏa thuận, với phương pháp thông thường là thông qua việc giảm thuế đối với một số hàng hóa có lợi xuất khẩu cho nước bị áp dụng BPTV. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thỏa thuận đền bù của hai nước hoàn toàn không phải điều dễ dàng khi nó thường xuyên kéo theo những bất đồng, tranh chấp sau đó, bởi mỗi nước lại có quan điểm vô cùng khác nhau về việc thế nào được coi là “đền bù thỏa đáng”.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trường hợp các bên không thỏa thuận được mức bồi thường tương xứng, nước bị áp dụng BPTV có thể áp dụng những biện pháp trả đũa, thường là bằng cách chấm dứt sự nhân nhượng hay chấm dứt việc thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với nước áp dụng BPTV. Trên thực tế, việc áp dụng các biện pháp trả đũa thường được tiến hành bởi nước có nền kinh tế và tỷ trọng hàng hóa xuất nhập khẩu trong thương mại quốc tế ngang bằng hoặc lớn hơn nước áp dụng BPTVthương mại. Thực chất, việc liên tiếp tiến hành các biện pháp trả đũa chính là nguyên nhân dẫn đến những cuộc chiến thương mại khốc liệt và không dứt giữa các nước.

Từ những sự việc thực tiễn…

Điển hình về việc bồi thường và trả đũa của nước bị áp dụng BPTV phải kể đến vụ Mỹ tuyên bố áp dụng BPTV đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ nước ngoài hồi tháng 3/2002. Mặc cho có đến 3 ủy viên trong tổng số 6 ủy viên của USITC bỏ phiếu không tán thành áp dụng BPTV đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu, Tổng thống George Bush vẫn đã đưa ra tuyên bố quyết định áp dụng BPTV dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu và áp dụng hạn ngạch thuế suất thuế quan đối với hơn 10 loại sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ, trừ những nhà nhập khẩu từ Canada, Isarel, Jordanie, Mexico và một số nước đang phát triển khác có lượng nhập khẩu vào Mỹ chiếm thị phần không đáng kể. Quyết định này của Tổng thống Bush đã khiến rất nhiều nước và khu vực trên thế giới lên tiếng phản đối và đe dọa trả đũa.

Liên minh Châu Âu (EU) cùng Nhật Bản, Trung Quốc, Nauy, Hàn Quốc, NewZealand, Braxin và Thụy Sỹ đã thành lập ra một Liên minh để chống lại biện pháp bảo hộ ngành thép này của Mỹ bằng cách đưa đơn kiện lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Đồng thời, EU và Nhật Bản đều đã trình lên WTO những danh mục hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ sẽ bị đánh thuế trả đũa, và thực tế đã tiến hành việc này vào tháng 06/2002 khi Mỹ không chịu nới lỏng mức thuế nhập khẩu thép. Mặc dù Chính quyền Mỹ vẫn cương quyết giữ quan điểm áp dụng BPTV để bảo hộ ngành thép của Mỹ, để hạ bớt tình hình căng thẳng trên, Mỹ cũng đã phải đặt ra hàng loạt ngoại lệ như bổ sung miễn thuế cho 29 loại sản phẩm phép trong biểu thuế…

Mặc dù Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã chính thức đưa ra kết luận điều tra vào tháng 3/2003 rằng, hành động tăng thuế của Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO bởi Nhà Trắng đã không đưa ra được bất cứ bằng chứng thỏa đáng nào để chứng minh rằng thép nhập khẩu gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất trong nước, Washington vẫn khẳng định sẽ kháng cáo và vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế cao.

Do không đạt được thỏa thuận về mức bồi thường với Hoa Kỳ nên cơ quan giải quyết tranh chấp đã cho phép Ủy ban Châu Âu áp dụng các biện pháp trả đũa lại Hoa Kỳ (kế hoạch trừng phạt thương mại trị giá 2,2 tỷ USD) bằng cách đánh thuế cao vào một số mặt hàng nông sản nhập khẩu vào Châu Âu từ Hoa Kỳ. Cuối cùng, tại cuộc họp ngày 10/12/2003, Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm, và Mỹ đã ban hành tuyên cáo xóa bỏ tất cả các BPTV được nêu trong vụ kiện trên.

Ví dụ thứ hai là trường hợp của Trung Quốc, một nước xuất siêu kỷ lục từ giai đoạn những năm 2000 đến nay. Năm 1999, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng BPTV đối với sản phẩm tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc. Tuy nhiên sau nhiều vòng thương lượng, Trung Quốc đã tự nguyện ấn định hạn ngạch xuất khẩu tỏi giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại này. Năm 2001, Nhật Bản cũng đã áp dụng BPTV đối với một số mặt hàng nông sản nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Một lần nữa, Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ đối với hành động này của Nhật khi lập tức sử dụng ngay biện pháp trả đũa. Trên thực tế, những hành động trả đũa nói trên đã vượt khỏi khuôn khổ cho phép của WTO và trở thành những cuộc chiến thương mại hết sức khốc liệt.

Tiềm tàng nguy cơ bị trả đũa…

Mặc dù theo đúng các quy định của WTO, chỉ nước chịu thiệt hại từ việc áp dụng BPTV mới có quyền tiến hành các biện pháp trả đũa đối với nước áp dụng BPTV, tuy nhiên thực tế cho thấy đôi khi các quy tắc của WTO không được dễ dàng tuân thủ, bởi tình trạng các nước dùng biện pháp thương mại để trả đũa lẫn nhau một cách tùy tiện không phải điều hiếm hoi.

Ngay đối với Việt Nam, từ trong giai đoạn điều tra chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam cuối năm 2013, không ít ý kiến cho việc đó như “mang dây buôc mình” bởi có khả năng cao các nước khác sẽ tiến hành đáp trả bằng các hoạt động điều tra tương tự với sản phẩm của Việt Nam. Và đến ngày 30/1/2014, khi Bộ Thương mại Thái Lan khẳng định sẽ khởi xướng điều tra BPTV với sản phẩm thép tấm không hợp kim nóng cuộn và không nóng cuộn; thì phía Indonesia cũng công bố khởi xướng điều tra áp dụng một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn cán nóng của Việt Nam, cảnh báo trước đó dường như đã thành hiện thực.

Vụ việc trên xuất phát từ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chống bán phá giá của Việt Nam - vốn không cho phép nước chịu thiệt hại từ việc áp dụng biện pháp này tiến hành trả đũa nước áp dụng, vậy mà hành động trả đũa dường như vẫn hiên ngang diễn ra. Vậy khi Việt Nam áp dụng BPTV - vốn cho phép nước chịu thiệt hại từ việc áp dụng biện pháp này tiến hành trả đũa nước áp dụng, thì hậu quả còn đến mức nào? Chưa kể đến vị thế của nước ta là một nước đang phát triển, nếu áp dụng BPTV sai, sau đó bị nước chịu thiệt hại từ việc áp dụng đó tiến hành những biện pháp trả đũa thì không những ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế xuất nhập khẩu, mà còn tạo hình ảnh xấu trong mắt của các nước bạn bè trên thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần