Nhưng ông đã không biết rằng, vì bị bố mẹ bỏ mặc ở nhà với người giúp việc, nên khi các bạn rủ rê, từ đua xe, cậu tham gia cướp cho vui chứ không phải vì cần tiền.
Trường hợp trẻ luôn cảm thấy lạc lõng, đơn độc trong chính gia đình mình và dẫn đến những hành vi lệch chuẩn như cậu bé đó không phải là cá biệt. Hiện ngày càng có nhiều trẻ bước vào tuổi vị thành niên “phàn nàn” về việc bố mẹ mình quá mải mê công việc, bỏ mặc con muốn làm gì thì làm.
Không ít người cố gắng công sức để kiếm tiền, để cho con cái một cuộc sống vật chất dư thừa, nhưng chính cuộc sống thực của những đứa con họ lại quên mất. Và cũng chính việc nhiều trẻ do không được bố mẹ quan tâm, giáo dục, định hướng nên để bù lấp những khoảng trống về tinh thần, đã vùi đầu thâu đêm vào những trò chơi vô bổ, làm bạn với game, thích sống cuộc sống “ảo” nhiều hơn cuộc sống thực…
Một cậu bé đã phải thốt lên: “Người mà tôi gọi là mẹ ấy có bao giờ quan tâm đến tôi đâu, lúc nào cũng lo kiếm tiền. Mỗi khi có việc gì không vừa lòng mẹ đều trút giận lên tôi. Tiền nhiều mà để làm gì, tôi đâu có cần”.
Một cô bé khác, sinh ra trong một gia đình kinh tế khá giả, được mẹ đáp ứng mọi điều kiện về vật chất nhưng lại thiếu sự quan tâm. Từ bé đến giờ, việc chăm sóc em được giao toàn quyền cho người giúp việc.
Hết giờ học ở trường về nhà em thường chơi một mình với rất nhiều thứ đồ chơi điện tử mẹ mua. Nếu có được trò chuyện với mẹ, cũng là qua máy vi tính. Cuộc sống tẻ nhạt đến mức khi ngồi đối diện bố mẹ, em cũng không thể nói lời nào bởi điều bố mẹ cậu quan tâm không phải là cuộc sống riêng của em. Chính vì thiếu sự quan tâm của người lớn, khiến em ngày càng trở nên cô đơn, không muốn đến trường.
Những câu chuyện này chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp của hiện tượng thiếu niên đang ở tuổi ăn học, tích luỹ tri thức để vào đời, nhưng lại bị bố mẹ “bỏ quên”, nên “đói” về cảm xúc, tình cảm, không được chia sẻ, không tìm được niềm vui cùng gia đình.
Người lớn thường an ủi nhau rằng: “Phải đối mặt với thực tế và vượt qua khó khăn bằng khả năng của chính mình!”, nhưng những đứa trẻ non nớt không được định hướng về giá trị sống, không nhận được sự quan tâm đúng mức của bố mẹ thì khó có thể trưởng thành thực sự, khi gặp va vấp dễ chọn cách ứng xử tiêu cực.
Để “bù đắp”, nhiều gia đình đua nhau cho con đến các trung tâm dạy kỹ năng sống với mong muốn con mình có được kiến thức cần thiết định hình giá trị sống. Nhưng đúng như các chuyên gia tâm lý đã nói, giá trị sống hay kỹ năng sống không phải cứ học là có, mà là quá trình tích lũy và hình thành nhân cách và việc đó phải bắt đầu từ mỗi gia đình.
Theo một kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, yếu tố gia đình ảnh hưởng và tác động mạnh nhất đến định hướng giá trị nhân cách sống cho thấy, hầu hết trẻ cho rằng, mình học hỏi và tiếp nhận những kỹ năng sống, cách giao tiếp, cách ứng xử xã hội từ bố mẹ và các thành viên trong gia đình.
Người thân chính là biểu tượng, hình mẫu cho sự phấn đấu và hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên, chính những người lớn trong gia đình lại ít dành thời gian dạy các em những kỹ năng sống cần thiết, ngay cả những kỹ năng tự chăm sóc bản thân.
Cùng với đó, nhiều phụ huynh lại cho rằng, việc giáo dục giá trị sống cho con là khách sáo, nên rất ngại ngần khi dạy con phải biết sống có lý tưởng, bao dung, độ lượng, cảm thông với mọi người.
Trong khi đó, chính trẻ lại rất phân vân khi không biết những hành vi của mình là hư hay ngoan, không ai bảo trẻ vì sao phải làm thế này và không được làm thế kia. Điều đó khiến không ít trẻ “sợ” vào đời vì không hoặc chưa đủ tự tin để đối diện với cuộc sống và mơ hồ về giá trị sống của bản thân.
Thực tế đúng là cuộc sống hiện đại đã lấy của phụ huynh quá nhiều thời gian, sức lực và tâm trí, nhưng đừng bao giờ “bỏ quên” con, để trẻ “tự do” phát triển tâm hồn và nhân cách; trẻ em cũng không phải là người lớn thu nhỏ lại, là kết luận các chuyên gia tâm lý đưa ra.
Mỗi ngày, bố mẹ hãy tạm gác những công việc của mình, bớt ra khoảng 10 - 15 phút để trò chuyện và chia sẻ cùng con. Bên cạnh đó, bố mẹ cần thay đổi nhận thức và có những ứng xử tình cảm thích hợp, giao tiếp nhiều hơn với con, lắng nghe và thấu hiểu chia sẻ với con, đó cũng là điều chính những đứa trẻ đang mong muốn.