Là đàn ông hiểu biết, anh Đạt chẳng nề hà chuyện nhặt rau hay cọ cốc chén. Thế nhưng, nhìn thấy cái bình sữa bẩn của con (vợ dành phần cho) thì anh không khỏi than trời: “Giá như, mình đừng chăm quá”.
Anh mua kiểu gì, loại gì cũng được vợ khen chứ không bao giờ bị chê. Ngay cả cái nồi kho cá anh rửa chưa sạch, vợ vẫn tâm lý cười bảo: “Eo ôi, còn xót lại mẩu xương hóa thạch này, anh rửa lại nhé”. Thế là, anh “cung cúc” làm theo lời chỉ dẫn của vợ.
Khi vợ sinh con, trình độ nội trợ có “đẳng cấp” thì việc nhà đã gần như nằm cả trong tay anh. Đi làm về, anh lao vào giặt giũ, cơm nước thì vợ thỏ thẻ: “Em phải kiêng. Sau này hết thời gian kiêng cữ, em sẽ làm giúp anh”.
Tuy nhiên, lúc con lớn hơn một chút, anh Đạt cũng không đỡ nhàn. Vợ anh cho con ăn được một chút thì quát tháo ầm ĩ rồi càu nhàu: “Để bố cho ăn đi”; tắm cho con được một chút thì to tiếng om sòm rồi bảo: “Anh quen thì tắm cho con đi”…
Đi làm về, vừa bước chân đến cửa là anh nghe vợ nhắc: “Anh thay đồ thì cất luôn quần áo nhé”. Có hôm bận họp, mãi 7h tối mới về thì nhiệm vụ cất quần áo, vợ anh vẫn dành riêng cho chồng, còn mình vì thảnh thơi xem tivi dù gửi được con cho bà ngoại.
Lần khác, bạn của vợ đến nhà chơi. Lấy lý do không biết làm gà, luộc gà và chặt thịt gà, vợ anh giao toàn quyền cơm nước cho chồng. Thế là cả buổi ấy, vợ anh ngồi buôn chuyện với bạn, còn anh lui hui chuyện bếp núc với mẹ vợ. Cả vợ anh và mẹ anh đều khen tài đảm đang, khéo léo của anh trước mặt khách khiến anh vui, không nói được câu nào.
Giúp vợ vô tư, không chút nề hà nhưng càng ngày, anh Đạt càng thấy vợ anh cứ ỷ lại vào chồng. Anh có cảm giác, vợ như khách trọ, chẳng buồn động chân tay vào việc gì mà cứ chờ thấy mặt chồng là… sai.
Anh có góp ý thì vợ giận: “Sao anh cứ so đo chuyện thiệt hơn? Anh làm việc thì em cũng làm việc chứ”. Nhưng lúc tỉnh táo, anh lại băn khoăn: “Hình như mình làm 3 phần, vợ mới làm 1 phần”. Chán cảnh bị thiệt thòi, anh Đạt muốn thay đổi vợ nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu để hạnh phúc không rạn nứt.
Được chiều sẽ sinh hư
Ai cũng thế (vợ hoặc chồng) nếu được chiều chuộng sẽ nảy sinh tâm lý “được đằng chân, lân đằng đầu”. Khi đó, người vợ rất khó nhận ra sự bất công vì tâm lý “sai chồng chuyện gì được thì cứ sai”.
Thứ hai, người vợ rất dễ nhầm lẫn giữa việc “sai chồng” và tình yêu của chồng. Không ít người vợ quan niệm: “Nếu yêu vợ, anh phải làm việc nọ, việc kia. Vợ nhờ gì cũng phải thực hiện, không được chống đối”. Thế nên mới có chuyện, dù ngồi ngay đó, vợ vẫn thản nhiên sai chồng lấy cốc nước, nhặt cái áo…
Nhiều anh chồng chăm chỉ, tận tụy với vợ thì vợ coi đó là lẽ đương nhiên. Nếu phản kháng sẽ bị vợ dỗi, giận, khóc lóc hoặc bù lu bù loa là “vô trách nhiệm” hoặc “không còn yêu vợ”…
Người vợ không biết rằng, nhiều người chồng làm việc nhà rất chăm chỉ nhưng không tránh khỏi cảm giác so đo, thấy bất công. Mối quan hệ nào cũng đòi hỏi nhịp nhàng và cân bằng giữa cho - nhận. Không có gì ngạc nhiên, nếu một anh chồng răm rắp tuân theo lời vợ bỗng một hôm “dở chứng”. Người vợ do chưa quen với “hình tượng mới” của chồng nên tất nhiên là hậm hực, khó chịu.
Có không ít anh ngoan ngoãn nghe lời vợ rồi lại bị chính vợ chê là “thiếu quyết đoán”, “tính đàn bà”… Có khi, vợ chán quá lại ngả vào vòng tay kẻ khác đầy chất đàn ông.
Do đó, dù là chồng (vợ) thì việc phân chia việc nhà vẫn cần minh bạch và linh hoạt. Nếu vợ nấu cơm thì chồng có thể lau nhà; vợ phơi quần áo thì chồng cất quần áo… Làm sao để vợ chồng cảm nhận được sự chia sẻ và tôn trọng chứ không phải lăn tăn “mình có đang bị biến thành osin không?”.