Tại hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2019 do VCCI và Bộ Tài chính tổ chức ngày 26/11, ông Đỗ Anh Tuấn - Tổng giám đốc công ty CP thiết bị y tế Vinahankook cho biết, do DN nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc về để sản xuất nên thuế VAT đầu vào là chủ yếu là 10%. Mặt hàng của Công ty sản xuất là thiết bị y tế nên đầu ra của hàng hóa này có một mức thuế VAT duy nhất là 5%.
Trước đó, DN luôn được hoàn thuế, tuy nhiên khi Thông tư 130/2016/TT-BTC ra đời (Thông tư hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế) thì Công ty không được hoàn thuế VAT như trước, do không đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu. Đến nay, Công ty Vinahankook bị đọng khoảng hơn 12,5 tỷ đồng hoàn thuế VAT.
“Công ty chúng tôi vốn điều lệ 55 tỷ đồng mà đọng 12,5 tỷ thuế VAT, chiếm 22% vốn điều lệ. Khoản thuế chậm được hoàn này như là “cục máu đông” nằm trong cơ thể khiến chúng tôi không thể hoạt động được nữa. Hiện các nhà đầu tư không dám đầu tư thêm nữa, vì càng đầu tư càng đọng thuế nhiều” – ông Đỗ Anh Tuấn nói.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hưng - Vụ phó Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, thực tế đây không phải vướng mắc riêng của Vinahankook mà của rất nhiều DN.
“Hiện nay, về vấn đề hoàn thuế VAT, chúng ta chỉ hoàn cho đối tượng một là DN xuất khẩu, hai là các dự án đầu tư. Quá trình rà soát, đánh giá Luật Thuế Giá trị gia tăng thực hiện vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu và đưa các đối tượng có thuế suất VAT đầu vào cao hơn đầu ra, bổ sung vào đối tượng được hoàn thuế. Tuy nhiên, Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua khi nào thì phải theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Quốc hội” - đại diện Tổng cục Thuế cho biết.