KTĐT - Những ngày đầu tháng 11, TP.HCM bắt đầu trở lạnh. Trong khi đó, người Hà Nội đang phải trải qua cảm giác "chuyển mùa" trong một ngày
buổi sáng nhiệt độ chỉ vào khoảng 15-16độ C, nhưng về trưa, trời nắng và nóng.
Thời tiết thay đổi thất thường và môi trường sống ngày càng ô nhiễm đang làm gia tăng các bệnh về mũi.
Các nghiên cứu về tai mũi họng và hô hấp tiến hành tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM gần đây cho thấy, có 30% bệnh nhân viêm mũi dị ứng có bệnh hen (suyễn) đi kèm và đến 80% bệnh nhân hen bị viêm mũi dị ứng. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám chữa bệnh khoảng 4.000 bệnh nhân, trong đó có 350 ca mắc các bệnh ở phổi và có đến 400 ca khám bệnh liên quan đến tai mũi họng. Bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng chiếm số lượng cao nhất, sau đó là các chứng viêm xoang, viêm họng.
Nhận diện tác nhân gây bệnh
Các bệnh về đường hô hấp, thường bắt đầu bằng các triệu chứng như sổ mũi, ngạt mũi, hắt xì… do nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể thấy, khối nhân viên văn phòng làm việc thường xuyên trong các phòng lạnh có nguy cơ mắc các bệnh về mũi nhiều hơn, kéo dài và hay tái phát. Bên cạnh đó, khí hậu thay đổi, đặc biệt là thời điểm giao mùa ở phía Bắc, thời tiết chuyển dần từ nóng sang lạnh, khiến số người mắc các triệu chứng về hô hấp tăng cao.
Tuy nhiên, các thống kê gần đây cho thấy, các bệnh liên quan đến đường hô hấp đang gia tăng nhanh chóng chính là do tác động xấu của ô nhiễm môi trường. Trong đó, 60% lượng ô nhiễm là do ngành sản xuất công nghiệp gây ra và 40% còn lại là từ sinh hoạt của con người như sử dụng các chất đốt, chất thải của các loại xe cộ... đặc biệt bụi xây dựng cũng "tích cực" góp phần. Hàng ngàn công trình lớn nhỏ trên khắp cả nước, đặc biệt những dự án cầu đường kéo dài quá lâu đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của những người dân sống dọc theo công trình. Rất nhiều trường hợp cả nhà đều bị viêm mũi do sống cạnh công trình xây dựng, dần dần dẫn đến bệnh hô hấp.
Phòng tránh bệnh, cách nào?
Trong cuộc họp báo công bố chương trình "Tháng chăm sóc sức khỏe hô hấp" mới đây tại TPHCM do Hội hô hấp TPHCM và nhãn hàng Nước biển sâu Xisat (Merap Group) tổ chức, PGS TS BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội hô hấp TPHCM, cho biết cơ thể có sẵn những cơ chế để bảo vệ đường hô hấp nói riêng và toàn thân nói chung. Bắt đầu từ lỗ mũi trước đến tận phế nang, các bộ phận bảo vệ này kết hợp với nhau để giảm thiểu tối đa các chất độc hại vào đến phổi. Vì cùng là hệ hô hấp nên những tác động lên mũi sẽ dẫn đến phản ứng của phế quản phổi và ngược lại.
“Việc bảo vệ đường thở ngay ở cửa ngõ đầu tiên là rất quan trọng. Chẳng hạn các công nhân tiếp xúc với khói bụi độc hại phải có khẩu trang đúng quy cách. Việc rửa mũi nhiều lần trong ngày, đúng cách với nước muối sinh lý hay nước biển sâu cũng là một biện pháp hiệu quả, an toàn và rẻ tiền”, BS Lan nhấn mạnh.
Thực tế hàng ngày chúng ta quen súc miệng, đánh răng nhưng ít ai chú ý đến rửa mũi khiến tiềm ẩn nguy cơ bệnh về đường hô hấp. Các chuyên gia y tế cho rằng, trong sinh hoạt hàng ngày, chỉ cần để ý tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản, người dân có thể bảo vệ và chăm sóc sức khỏe khoang mũi của mình một cách hiệu quả. Theo đó, cần giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết chuyển mùa, trời đổ mưa, lạnh đột ngột; mang khẩu trang khi đi đường và khi làm việc trong các môi trường có nhiều bụi và khí thải độc hại; tập thói quen vệ sinh mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc nước biển sâu giàu khoáng chất như đồng, kẽm để loại bỏ bụi bẩn, gỉ mũi; tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, lông vật nuôi…; hạn chế đi bơi hoặc tắm tại các hồ bơi/nguồn nước bị nhiễm bẩn; luôn rửa tay sạch bằng xà phòng giúp hạn chế cảm cúm, lây nhiễm siêu vi hô hấp… Những bí quyết này có thể giúp bạn đi qua mùa lạnh thật dễ dàng!