Tôi đã phỏng vấn một số bậc phụ huynh về kỳ vọng của họ về con cái trong tương lai, tôi nói họ thử mô tả vài phẩm chất họ mong muốn đứa con sẽ có sau này. Hầu hết phụ huynh muốn con họ “tốt bụng, chung thủy, giàu đam mê, chăm chỉ và hạnh phúc”. Chưa bao giờ tôi nghe một vị phụ huynh nào nói muốn con cái họ lớn lên học giỏi Toán hay chơi bóng rổ cừ khôi. Thế nhưng cứ quan sát các bậc phụ huynh với con cái họ hiện tại mà xem, ai cũng muốn con phải được điểm cao, phải thể hiện thật tốt ở trường.
Tập trung vào mục đích học trường chuyên lớp chọn, vào điểm số, vào khả năng chơi thể thao, giữ gìn phòng sạch sẽ hay giao tiếp xã hội tốt khiến con cái hiểu rằng đó mới là những phẩm chất quan trọng. Trong khi thực tế, cha mẹ tập trung hướng con vào biết say mê, biết làm việc tốt, trung thành, và sống vui vẻ mới khiến trẻ hạnh phúc. Khi đứa trẻ được sống hạnh phúc, nó sẽ có cơ hội thành công ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hơn.
Các bậc phụ huynh tất nhiên có lý do để buộc phải quan tâm đến chuyện học của con ở trường nhưng “quan tâm” đến mức căng thẳng thì lại khiến trẻ stress. Trẻ sẽ bắt đầu lo lắng, thậm chí hoảng loạn, sợ mình không đáp ứng được yêu cầu của cha mẹ. Hậu quả là trẻ học tập sa sút, điểm số kém đi. Cha mẹ sau đó sẽ tăng áp lực đối với con, cả cha mẹ và con cái rơi vào cái vòng luẩn quẩn, kết cục không có ai trong gia đình vui vẻ hết. Đây có thực là điều bạn muốn làm trong những năm tháng không dài sống bên đứa trẻ của mình chăng?
Muốn con cái sau này thành công về tài chính, học vấn và cảm xúc, chúng ta cần tập trung vào những giá trị cốt lỗi, cung cấp cho trẻ kỹ năng để đến được thành công. Các giá trị cốt lỗi ở đây không thể là kỹ năng học toán, mà phải là những kỹ năng toàn diện hơn như khả năng lắng nghe, chia sẻ, sự kiên trì bền bỉ và biết tạo động lực phấn đấu cho mình. Trao thưởng cho con cái khi chúng được điểm cao có nghĩa là bạn đã không tập trung vào những giá trị cốt lõi, bạn chỉ dạy con cách đối phó, thể hiện tốt trước mắt nhưng lại không cung cấp cho trẻ những kỹ năng. Trẻ sẽ quay về con số 0 khi nhân tố bên ngoài gây áp lực lên trẻ không còn nữa.
Bạn có dành cho con sự quan tâm đúng mức khi chúng làm được việc tốt chứ không phải có điểm tốt ở trường hay không? Bạn có nhận ra con mình chơi với bạn bè rất tốt, biết bênh vực bạn yếu, đấu tranh với những bạn chuyên bắt nạt, hay thức rất khuya để trò chuyện an ủi một người bạn có chuyện buồn? Bạn có khen con khi chúng biết tự chăm sóc cơ thể và tâm hồn mình, bạn có nhận ra không khi con để dành kẹo cho những đứa trẻ nhà nghèo? Nếu câu trả lời của bạn là không, bạn đã đưa ra cho con những bài học sai về cuộc sống.
Muốn nuôi dạy nên những đứa con có thể thành công trong tương lai, hãy thay đổi cách nhìn nhận ngay từ chính bạn. Đừng quên rằng trẻ con rồi sẽ lớn, thời gian bạn được bên chúng không nhiều đâu, hãy bên con và tận hưởng cuộc sống vui, hạnh phúc, biến chúng thành những đứa trẻ hạnh phúc để thành công vào đời chứ không phải luôn căng thẳng, lo lắng vì những mục tiêu trước mắt.